Về với thiên nhiên
Trekking dãy Chư Yang Lắk là tour trong mô hình du lịch xanh của anh Y Xim Ndu (huyện Lắk). Chuyến đi hai ngày một đêm vượt qua 13 km đường rừng, chinh phục độ cao hơn 1.600 m, đắm mình trong biển mây giữa đại ngàn.
Khi nhóm chúng tôi xuất phát, trời đổ mưa khá nặng hạt. Do mưa nên con đường vào núi trơn trượt, mỗi thành viên phải bước đi cẩn thận. Cơn mưa ngớt dần, tạnh hẳn, rồi lại tiếp tục ập đến, tiếng nước mưa hòa cùng âm thanh lao xao, rì rào của rừng núi, của những cơn gió khẽ lướt qua tạo nên một cảm giác đồng điệu đến khó tả giữa núi rừng...
Chặng đường đầu tiên, chúng tôi đi trên con đường toàn hoa xuyến chi và những rẫy cà phê đang mùa quả chín, băng qua những con suối nước lạnh tê tái; quãng đường còn lại là đồi cỏ, rừng thông, rồi đến rừng già với những gốc cổ thụ có hình thù kỳ dị. Càng vào sâu trong rừng, lại bắt gặp nhiều loài cây lạ, hoa dại và nấm mọc ven đường mòn vô cùng xinh xắn. Bất giác, ai đó trong nhóm hét lớn khi bị vắt “ghé thăm” trên cổ áo hay bàn tay... Cả nhóm lại nhao nhao: “Cho em xem con vắt với!”, rồi phá lên cười. Vừa leo hết con dốc này thở chưa đều, ngước mắt lên đã thấy con dốc khác đứng hun hút, sừng sững ở ngay phía trước. Nhiều đoạn khó đi, chúng tôi phải bu bám rồi bò rạp hẳn người xuống.
Nhưng đền đáp công sức của cả nhóm, là suốt chặng đường ai nấy đều không ngừng “mắt chữ O,miệng chữ A” trước khung cảnh hùng vĩ của núi rừng. Cả nhóm như vỡ òa cảm xúc. Sáng sớm trên đỉnh Chư Yang Lắk, ở độ cao 1.634 m, trên một biển mây bao la, cùng nhau nhâm nhi ly cà phê nóng, thơm ngon giữa núi rừng mây phủ.
Chuyến trekking đã lưu lại kỷ niệm khó phai với những du khách lần đầu tiên được trải nghiệm cảm giác đi rừng, ăn rừng, ngủ rừng. Em Nguyễn Thị Bé Hiền (tỉnh Bình Dương) háo hức: “Đây là lần đầu tiên em cảm nhận được cái gọi là ngày đông giá rét, cắt da, cắt thịt. Ở đây không tiếng còi xe, em chỉ muốn ngồi ngắm mãi cái màu xanh hiền hòa quanh mình”, em Hiền nói.
Đỉnh Chư Yang Lắk mây mù bao phủ. |
Trong khi đó, quyết định quay lại chuyến trekking Chư Yang Lắk lần này, bạn Nguyễn Kim Duyên (TP. Hồ Chí Minh) có cơ hội thực hiện cuộc sống không điện, không mạng Internet. “Leo núi trời mưa làm mình mệt rã nhưng tối đến, tự tay chuẩn bị thịt heo, gà nướng, rau rừng luộc và một ít trái cây rừng… cảm giác thật tuyệt! Ăn tối xong, cả nhóm ngồi quây quần bên đống lửa nghe những người bạn vừa mới quen kể chuyện buôn làng, ngửa mặt lên trời tìm sao... Cảm giác hoàn toàn khác với lần đầu đến đây. Với tôi, giờ đây rừng xanh là nhà, là chốn thân thương để nghỉ ngơi chứ không phải để chinh phục...”, Duyên chia sẻ.
“Chúng tôi được thưởng thức trọn vẹn không khí trong lành và sự hoang dã của thiên nhiên. Mọi thứ còn rất hoang sơ với nhiều cây cối, suối, thác rất đẹp và cả các loài động vật...”, Em Nguyễn Thị Bé Hiền (tỉnh Bình Dương)
|
Trong mỗi hành trình khám phá dãy Chư Yang Lắk do Y Xim Ndu tổ chức còn được Ban Quản lý rừng lịch sử, văn hóa, môi trường hồ Lắk (huyện Lắk) cử một cán bộ thuộc Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 2 đi cùng, vì vậy chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện của rừng. Theo mô tả của anh Lê Văn Phương, Trạm trưởng Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 2, đỉnh Chư Yang Lắk là một khối đá liền, có chiều dài khoảng 100 m, chiều ngang hơn 10 m, nhìn xa, tảng đá có hình giống mặt người. Người dân trong vùng gọi Chư Yang Lắk là “thần cao”. Bởi đỉnh núi này là một trong những đỉnh núi cao nhất ở dãy Chư Yang Sin và có nhiều câu chuyện truyền miệng về “thần cao” với nhiều dị bản khác nhau. Chuyện rằng: Ngày xưa “thần cao” cai quản khu vực rừng Chư Yang Sin, đến cuối đời, ông lựa chọn một khu vực rất cao, vừa có phong cảnh nên thơ, hữu tình, vừa có thể nhìn bao quát trong vùng để nghỉ ngơi. Cuối cùng, “thần cao” chọn tựa lưng vào vách núi lớn (nay là đỉnh Chư Yang Lắk), mắt nhìn thẳng về trước, hướng TP. Buôn Ma Thuột để theo dõi sự phát triển của quê hương.
Hay như câu chuyện “rừng là nhà” của những cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 2. Hằng tháng để bảo vệ 2.553 ha rừng khu vực Chư Yang Lắk, 5 cán bộ của trạm phải dành 18 - 20 ngày ở rừng, đi từ đồi này sang núi nọ, những lần vây bắt lâm tặc... “Đây không phải lần đầu mình trekking, tuy nhiên chuyến trekking Chư Yang Lắk để lại cho mình nhiều dấu ấn, mình cảm phục tinh thần của cán bộ Trạm Quản lý, bảo vệ rừng số 2, địa hình rộng, lại khó đi, tính chất công việc lúc nào cũng cận kề với nguy hiểm nhưng các anh ấy vẫn bám rừng, bảo vệ rừng, đây là bài học quý giá với mình. Cũng vì lý do này mà mình sẽ cố gắng sắp xếp để có chuyến chinh phục Chư Yang Lắk lần thứ 2, 3”, Thượng úy Đàm Văn Trọng, cán bộ Phòng Tham mưu (Công an tỉnh Bình Phước), thành viên nhóm trekking trò chuyện.
Một nhóm trekking trên đỉnh Chư Yang Lắk. (Ảnh Lăk tour) |
Cứ như vậy, trong hành trình chinh phục đỉnh Chư Yang Lắk, chúng tôi học được nhiều thứ mới lạ về thiên nhiên. Đền đáp tấm chân tình của thiên nhiên, mỗi thành viên trong nhóm trekking trồng một cây xanh trên đồi cỏ tranh, hy vọng sẽ góp phần tô thêm màu xanh cho những cánh rừng nơi đây.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc