Đầu xuân, viếng Lăng Bà Chợ Được
Lăng Bà Chợ Được tọa lạc trên một bãi đất rộng rãi thoáng mát ở xóm chợ thuộc tổ 16, thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Theo tài liệu còn lưu giữ từ gốc chữ Hán “Thần nữ linh ứng truyện” được biên soạn ngày 26 tháng 12 năm Khải Định thứ 4 (1919) do Đồng tam giáp Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn - Gia nghị đại phu – Bộ thị lang chí sĩ Hồ Mộng, tên húy là Lượng và người cùng viết là ông Nguyễn Bội Bửu thì Bà Chợ Được có tên là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Canh Thân đời triều Lê Cảnh Hưng năm thứ 39 (năm 1800) tại xứ Ái Châu, tổng Mỹ Hòa, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc thôn 10, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam).
Bà là con ông Nguyễn Trí, làm quan dưới triều nhà Lê, giữ chức Đặc Tiến Tòng đại phu; mẹ bà là cung nữ tên là Trịnh Thị Tình.
Tương truyền rằng, vào đời vua Tự Đức thứ 5 năm Nhâm Tý (1852), Bà Chợ Được hiển linh tại làng Phước Ấm, thuộc phủ Thăng Bình, huyện Lễ Dương, tổng An Thạnh Hạ (nay là thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Trước cảnh đẹp nơi đây, ý định của Bà muốn xây dựng vùng đất này thành chợ để mua bán, trao đổi hàng hóa nên Bà đã hóa thành một thiếu nữ xinh đẹp độ chừng 18 tuổi làm nghề bán nước, đổi trầu.
Lúc đó, chợ có tên gọi theo chữ Hán là “Phước Ấm thị hà” có nghĩa là chợ Phước Ấm bên sông. Sau này, do sự giao lưu trao đổi, buôn bán hàng hóa ngày càng phát đạt, sầm uất cho nên có tên gọi là Chợ Được (có nghĩa là chợ buôn bán được).
Lăng Bà Chợ Được. |
Bà Chợ Được đã giúp dân lập chợ, phù trợ cho thị dân mua mau bán đắt, thuyền bè qua lại bình yên. Ngoài ra, Bà còn ban thuốc chữa bệnh cho dân làng.
Để tưởng nhớ công ơn của Bà là người đã khai sinh ra vùng đất Chợ Được, dân làng đã lập lăng thờ phụng, hương khói quanh năm và đề đạt với các hương phủ, tỉnh đường phong sắc cho Bà.
Hiện nay, Lăng Bà Chợ Được tọa lạc trên một bãi đất rộng rãi thoáng mát ở xóm chợ thuộc tổ 16, thôn Phước Ấm, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Trước đây, người dân lập một mái nhà nhỏ một gian làm bằng tranh, tre để thờ Bà, về sau ngôi nhà một gian được nâng lên thành ba gian rộng rãi tường xây mái ngói. Tháng 10/1968, nhân dân trong làng với tấm lòng thành kính đã góp kinh phí và xây lại lăng Bà với tường gạch, mái ngói như hiện nay.
Cũng như nhiều lăng, miếu theo tín ngưỡng thờ mẫu ở Quảng Nam, Lăng Bà Chợ Được quay mặt ra sông Trường Giang. Trước mặt lăng là tấm bình phong đắp nổi hình con cọp và hai trụ biểu cách điệu hình hoa sen đặt hai bên với hai câu: “Phước linh lập thị quy dân hiệp - Ấm địa danh thành vạn đợi lưu”.
Trên nóc lăng Bà gắn bốn chữ “Thần nữ linh ứng”. Lăng có diện tích 144 m2, theo lối kiến trúc của đình làng ngày xưa với góc mái cong thường gọi là đao mái. Các đầu đao được trang trí hình con phượng - một trong tứ linh, hai đầu bờ nóc được đắp vênh lên như mũi thuyền.
Chính giữa mái lăng là rồng chầu mặt nguyệt rất sinh động và tại tường hiên lăng được đắp nổi hai câu: “Đông tiếp trà giang ninh hướng trung thiên vân lộng vũ - Tây liên ngọc lãnh trung hướng đại địa lôi huỳnh ba”.
Bên trong lăng được bài trí như một ngôi đình thờ thần làng. Tẩm trong cùng là nơi an phụng thần vị với long ngai và hình nộm của Bà bằng vải, trang phục của hình nộm được may bằng vải đỏ, thêu kim tuyến nhiều màu rực rỡ.
Bà đi hài, đầu cài vương miện, bên phải và bên trái bà còn có hai cây quạt to hình trái tim. Trước nơi an phụng thần vị là bàn thờ Bà. Trên bàn thờ, ngoài hương án, đài rượu bằng đồng, bình hoa bằng sứ còn có hòm đựng sắc phong của Bà.
Nghi thức tế lễ tại Lăng Bà Chợ Được. |
Vào ba ngày: Vía sanh (25 tháng 2), vía tử (ngày 19 tháng 11), lệ Xuân thủ (ngày 11 tháng Giêng âm lịch), dân làng tổ chức cúng Bà. Trong các ngày đó thì ngày 11 tháng Giêng đuợc tổ chức linh đình, trọng thể và trở thành Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được.
Lăng Bà Chợ Được đã được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng là Di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh vào tháng 12/2008 và Lễ hội rước Cộ Bà Chợ Được đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 9/2013.
An Trường
Ý kiến bạn đọc