Hồn đá trên... chùa Đá
Nghe rào rào từ xa, rất xa gần lại, rồi bất chợt như ai cầm chĩnh nước đổ ào xuống. Mưa xiên chéo trên ruộng lúa xanh mươn mướt chưa kịp làm đòng.
Mưa rơi tí tách từng giọt trên mái ngói rêu xanh. Mưa phủ tràn trề trên mặt hồ hơi nước bốc lên mờ mờ mỏng mảnh. Cơn mưa chiều nay ở chùa Quảng Trạch (còn gọi là chùa Đá, ở xã Đắk Liêng, huyện Lắk) lớn hơn những lần mưa mọi chiều khác ở cao nguyên.
Mưa là thế, những bậc cấp lên chùa sạch như trời đem khăn ra lau. Hàng vạn vạn hòn sỏi nhỏ kết nên từng bậc, từng bậc, nâng niu những bước chân. Hàng ngàn ngàn hòn sỏi lớn làm nên những bức tường. Ngồi chiêm ngưỡng những bức tường đá kết cấu chẳng theo một khuôn phép nào, lắng tiếng mưa rì rào ca hát, uống tách trà xanh nóng hôi hổi, nghe câu chuyện của sư thầy Thích Nhuận Độ kể về việc dựng chùa cũng là một điều thú vị.
Ngôi chùa nhỏ tranh tre nứa lá bắt đầu hình thành làm nơi thờ tự từ năm 1962, khi có đông những cư dân Quảng Ngãi chuyển cư về đây. Ban đầu chỉ là một cái am nhỏ các sư thầy tự dựng bên bờ sông Krông Na, tại điểm Đầm Sậy thấp. Do lũ lụt, phải chuyển về thôn Hòa Bình hiện nay thuộc xã Đắk Liêng cách trung tâm huyện gần 6 km. Lúc ấy mảnh đất này còn hoang sơ, ngọn đồi cận kề chùa lơ thơ cây cối, xung quanh toàn ruộng lúa và sình lầy. Trải qua năm tháng, chùa được bà con trong vùng và các thầy đóng góp công sức nên dần khang trang. Nhà tổ, trường Bồ Đề… có từ năm 1968, nhưng vẫn lá tre nứa đơn sơ. Năm 2005 mới hoàn thành chánh điện xây bằng gạch.
Một góc chùa Quảng Trạch. Ảnh: Duy Tiến |
Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, nhà chùa, bằng cả tấm lòng đã hỗ trợ bà con những khi khó khăn. Tính đến nay, nhà chùa đã vận động xây dựng được hơn 200 căn nhà Tình thương, trao nhiều học bổng cho trẻ em yên tâm đến trường; hỗ trợ gạo, thực phẩm cho những gia đình neo đơn mùa giáp hạt; hỗ trợ hòm khi có tang lễ; hướng dẫn và giúp bà con khai hoang làm ruộng nước cho lúa đầy bồ, nụ cười nở tươi trên những gương mặt đầy nắng gió… Vì thế đã có 3.000 phật tử là người các dân tộc Êđê, M’nông, Thái… quanh vùng xã Đắk Liêng sinh hoạt. Bà con đã cùng nhà chùa trồng hơn 20.000 cây xanh, phủ kín 7 ha quả đồi thành cánh rừng vững chắc phía sau chùa.
Sư thầy kể việc xây dựng chùa từ cách đây 9 năm, nhưng toàn bộ khuôn viên chùa mới khánh thành năm 2022. Bởi phải kiên trì tập kết hàng tấn đá cuội và đá bazan; tỉ mỉ xếp từng viên cuội với sự đóng góp công sức của đa số là đồng bào dân tộc tại chỗ của xã Đắk Liêng. Đại đức Thích Nhuận Độ đã đến với đồng bào Tây Nguyên bởi lối hoằng pháp công phu bằng cách làm “công quả”, khi thầy và phật tử cùng nhau đốt đuốc đi vận chuyển những hòn đá cuội lớn nhỏ từ các vùng lân cận về xây dựng chùa. Vừa làm vừa niệm Phật, vừa đi vừa giảng pháp, cùng bà con lượm và gùi từng gùi đá cuội ở suối về chùa. Cuội nhỏ làm thành bậc thang dẫn lên chùa, lót sân, làm đường lên núi. Cuội lớn ốp những bức tường dày cho nhà tổ, giảng đường học Phật pháp, xây dựng cây cầu mang phong cách chùa Cầu (Hội An) nối từ ngọn đồi tâm linh sang thiền thất phương trượng, kè bờ tường chống sạt lở… Đứng nơi nào trong khuôn viên chùa cũng cảm nhận được hồn đá.
Hiện tại, ngoài chánh điện xây gạch và những ngôi nhà sàn tranh tre nứa Tây Nguyên, những công trình trong và ngoài vườn chùa đều được dựng nên tựa lưng hoặc bao bọc trong đá cuội và đá bazan. Giản đơn nhưng đem lại một vẻ đẹp khác lạ, độc đáo cho ngôi chùa và mang lại sự thân thiện, ấm áp trong tâm trí con người khi bước chân vào chùa.
Huyện Lắk là một địa chỉ thân quen trên bản đồ du lịch. Ở đây không chỉ có hồ Lắk - hồ tự nhiên lớn thứ hai cả nước sau hồ Ba Bể, mà còn có Hang đá 3 tầng - Di tích lịch sử cấp quốc gia, cận kề với thác Liêng Puh Pêh (còn gọi là thác 3 tầng) trong vắt; thác Bìm Bịp (còn gọi là thác Liêng bôk săč, có nghĩa là thác đầu nguồn có dòng nước phun lên, bay lên) đã được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia. Phía dưới dòng chảy của các thác nước là những hồ nước lớn nhỏ trong xanh. Ngoài ra còn có suối đá Đắk Phơi, suối Liêng Keh, chùa Liên Sơn, nay có thêm chùa Đá, nơi nào cũng có những khung hình đẹp để du khách chiêm ngưỡng. Đó là những điểm đến của huyện Lắk chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách gần xa muốn tìm cho mình không gian khoáng đạt của thiên nhiên. Tâm trí chợt ngân nga câu hát của cố nhạc sĩ Ama Nô về vùng căn cứ H9 năm xưa “Lắk của ta quê hương đẹp quá. Nước hồ Lắk in hình Yukrơta. Núi Yang Sin vươn mình cao đẹp trên đất quê ta”…
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc