Ngao du trên hồ Biển Lạc
Hồ Biển Lạc thuộc địa bàn xã Gia An, huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Đây là địa điểm du lịch còn hoang sơ nhưng rất ấn tượng với những ai đã một lần đến.
Biển Lạc là một hồ nước mênh mông nằm giữa rừng già. Mùa khô hồ rộng khoảng 1.000 ha; vào mùa mưa, khi tích nước, diện tích hồ tăng lên gấp 3 lần. Xung quanh hồ là núi, rừng xanh tươi. Phía đông có núi Ca Tông cao 506 m sừng sững giữa đất trời.
Hồ Biển Lạc có sự tích lưu truyền trong dân gian khá ly kỳ như sau: Thuở xa xưa, lúc mới tạo thiên lập địa, thần tiên sinh sống cùng với người bình thường. Có một vị hoàng tử là con út của Đông Hải Long Vương rất thích ngao du. Tiểu Long thường tìm đến những vùng đất xa lạ, hoang sơ để khám phá. Một ngày hoàng tử đến vùng núi rừng Tánh Linh ngao du, cậu tình cờ quen được La Lan - cô con gái xinh đẹp của tù trưởng bộ lạc Chơ - Ro ở vùng núi Cà Tông. Thấy con đi chơi lâu quá không về, Đông Hải Long Vương sai người đi tìm, nhưng gặp phải mùa khô hạn gay gắt, các binh tôm, tướng cá không chịu nổi sự khắc nghiệt của thời tiết nên đành phải quay trở về! Đông Hải Long Vương thương con nên đã nhờ vả thêm các vị Long Vương ở những biển khác đến giúp sức. Họ cho hàng nghìn con rồng phun mưa xuống miền Đông Nam bộ ngày nay để có nước, tạo điều kiện cho hoàng tử trở về. Nhưng hoàng tử Út đã lấy La Lan và sinh con đẻ cái với nàng. Tiểu Long không về biển nữa mà ở lại với núi rừng quê vợ. Long Vương cũng đành phải ngậm ngùi chấp nhận. Chỗ hoàng tử ở là một vùng hồ khá rộng lớn, mùa mưa mênh mông như biển. Dân gian gọi nơi này là ‘Biển Lạc”, ý nói “biển” đi lạc giữa núi rừng không trở về được nữa.
Một góc hồ Biển Lạc. |
Muốn đến hồ Biển Lạc, du khách có thể đi bằng xe máy hay ô tô, xuất phát từ điểm giao nhau giữa Quốc lộ 1A và Quốc lộ 55B ở xã Tân Nghĩa, đầu đường về thị xã La Gi, từ đó ngược lên phía tây theo Quốc lộ 55B đi Lạc Tánh (huyện Tánh Linh) đến gần thị trấn Võ Xu (huyện Đức Linh) sẽ gặp hồ Biển Lạc.
Đến hồ Biển Lạc vào mùa mưa, du khách sẽ thấy một biển nước mênh mông, bao quanh là những cánh rừng đại ngàn nguyên sinh với rất nhiều cây cổ thụ như căm xe, trâm, dầu lông, sao, sến, bằng lăng. Những cánh rừng cao su hàng hàng lớp lớp, dài xa tít tắp; những nương rẫy, hoa màu tươi tốt ven hồ.
Đi thuyền trong lòng hồ Biển Lạc là cái thú không thể thiếu được khi đến đây. Bạn có thể theo những ngư dân đi giăng câu, chài cá để trải nghiệm thực tế cuộc sống. Có rất nhiều loại cá ngon trong hồ như cá lăng, cá mè, cá thác lác, cá trèn, chạch, chép… Sau khi bơi thuyền dạo, đánh bắt cá, chủ và khách tổ chức bữa tiệc ven rừng với món cá nướng, rau rừng đủ loại như: rau xá xị (quế đất), đọt bằng lăng, kim thất, lá lốt, cát lồi, lộc vừng, đọt sung, rau tàu bay, cải trời…
Các loại chim cò, hồng hạc và nhiều loại chim khác thích hợp với môi trường sinh thái tại Biển Lạc. Ảnh: baoninhthuan.com.vn |
Nếu như bạn có thời gian lưu trú thong thả, có thể đi dạo ven hồ để khám phá nhiều loài hoa lan đẹp, lạ và những loài chim nước như chim trỉ, trích, le le, bồ nông, bói cá, cò cổ rắn… Bình minh, cảnh quan hồ Biển Lạc đẹp tươi, đầy sức sống; thấp thoáng ghe thuyền của ngư dân rải rác đây đó trên hồ đánh bắt cá; ánh nắng hồng nhuộm trên ngàn cây, ngọn cỏ. Mặt hồ phẳng lặng như gương, in bóng mây trời bàng bạc. Buổi chiều khi mặt trời sắp lặn sau dãy Núi Ông kỳ vĩ, từng đàn chim trời bay về tổ. Khói thổi cơm chiều của những nhà lồng bè trên hồ ấm cúng, la đà, vương vấn trên những đám lau sậy bạc đầu, nghiêng nghiêng hoa trắng.
Vào mùa khô, diện tích mặt hồ thu hẹp lại. Nông dân có thể canh tác lúa ngắn ngày, trồng các loại hoa màu như bầu, bí, khổ qua, mướp, rau thơm. Người dân trong vùng còn khoanh ô nuôi các loại cá lớn nhanh như cá lóc, rô, trê vàng, mè, chép, tai tượng…
Trong khu rừng già gần hồ Biển Lạc còn có một ngọn thác đẹp, hoang sơ tên là Thác Bà. Đây là một thắng cảnh kết hợp với Biển Lạc là nơi tham quan du lịch hấp dẫn ở vùng núi rừng phía tây nam Bình Thuận.
Mai Lý
Ý kiến bạn đọc