Multimedia Đọc Báo in

Người miền Tây làm du lịch

08:39, 26/11/2023

Đứng trước lựa chọn giữa muôn vàn điểm đến, miền Tây vẫn luôn là cái tên níu chân du khách gần xa, bởi những ấn tượng với con người ở miệt vườn sông nước và những trải nghiệm du lịch gắn liền lợi thế, tài nguyên trên vùng đất này.

Nền tảng quan trọng và cũng là “điểm cộng” đầu tiên khi nhắc đến du lịch miền Tây có lẽ là thái độ. Có một điểm khá giống nhau dù là TP. Cần Thơ hay các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bạc Liêu, đi tới đâu càng thấy thương nhớ đến đó.

Thương là bởi trên vùng đất “chín rồng” mênh mang phù sa, lòng người hiền hòa, thân thiện, luôn tạo được cảm tình với du khách ngay từ ban đầu tiếp xúc. Họ - dù trực tiếp làm du lịch hay không, vẫn luôn tự hào về những điểm đến hấp dẫn, những đặc sản của vùng sông nước quê mình và luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn bè, du khách trong mọi chuyến khám phá miệt vườn.

Cư dân miền đất này trân trọng, thiết đãi khách phương xa những sản vật ngon lạ, từ cam xoàn, thanh nhãn, đến lẩu mắm, gỏi tép bông điên điển, các món cá da trơn kho tộ… ngon và ấm áp đến quên cả lối về!

Du khách trải nghiệm, ngắm cảnh sông nước miền Tây ở tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Giang Nam

Khai thác tài nguyên và lợi thế sẵn có, người miền Tây phát triển mạnh du lịch sinh thái miệt vườn. Có dịp ghé huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, điều khiến du khách chúng tôi thích thú nhất là được đắm mình trong không gian trong lành, tận hưởng một vùng miệt vườn bao phủ toàn cây xanh, cây ăn trái. Đặc biệt, một số khu du lịch đã được thiết kế theo hướng tổng hợp với đa dạng các loại hình dịch vụ, từ tham quan, nghỉ dưỡng đến ẩm thực đồng quê, vui chơi giải trí. Họ làm du lịch khá chuyên nghiệp khi có sẵn người dẫn chương trình (người quản trò) và “hút” khách bởi những trò chơi dân gian hấp dẫn, mang đậm chất miền Tây như: đu dây qua mương, đi xe đạp qua mương, thi tài giữa các đội trên chiếc cầu vừa nhún vừa lắc, chèo xuồng… Những người quản trò duyên dáng, nhịp nhàng tới mức, không chỉ tạo niềm vui cho người trong cuộc, mà còn lan tỏa nụ cười rộn rã đến với người xung quanh.

Cũng tạo điểm nhấn cho miền sông nước, một số khu ẩm thực sinh thái trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp níu chân khách bằng những chiếc cầu bằng gỗ, tre, nứa bắc qua giữa cánh đồng sen hồng bao la cho du khách tham quan, trải nghiệm ẩm thực trên các khu nhà chòi. Độc đáo hơn, những địa điểm này còn mở “chợ”, dựng các sạp nhỏ để bán cây trái, quà vặt của người miền Tây. Hơn thế nữa, có khu ẩm thực còn đầu tư hẳn “chợ nổi” trên sông, hồ với đủ hàng bánh dân dã như: bánh xèo, bánh khọt, bánh lọt, bánh ít, bánh tằm, bánh da bò, bánh lá mơ, bánh in… Duyên dáng trong chiếc áo bà ba, các chị, các mẹ nhanh tay hướng dẫn thực khách chọn lựa các hàng trái, thưởng thức ẩm thực quê mình.

Không chỉ dừng lại ở khai thác vốn văn hóa truyền thống, nhiều địa điểm ở miền Tây còn được biết đến và ví von như “trời Tây”. Trong chuyến thăm TP. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), chúng tôi từng ngỡ ngàng trước cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ của cánh đồng điện gió hiện hữu trên địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông. Nó độc đáo không chỉ bởi được xây dựng đầu tiên, lớn nhất trên cả nước, mà còn là cánh đồng biến gió thành điện năng và biến gió thành điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh với tên gọi "Bản giao hưởng của gió". Trên những con đường bê tông dài thênh thang trên mặt biển, dù đứng ở đâu, chúng tôi cũng có thể dễ dàng bắt gặp các tua bin gió, có thể chụp được muôn bức hình, muôn khoảnh khắc đẹp đến mê hồn.

Du khách lưu giữ khoảnh khắc đẹp ở cánh đồng điện gió tại TP. Bạc Liêu. Ảnh: Hoàng Lam

Không chỉ phát triển tại chỗ, du lịch miền Tây còn gây ấn tượng bởi sự vào cuộc của các ngành, địa phương trong kết nối giá trị dịch vụ, văn hóa, du lịch. Những ngày dừng chân ở tỉnh Bạc Liêu, tôi từng rất ngạc nhiên bởi Nhà khách Tỉnh ủy luôn nhộn nhịp khách vào ra lưu trú, thưởng thức ẩm thực. Hỏi người quen ở địa phương mới biết rằng, chất lượng và thái độ phục vụ của Nhà khách nơi đây luôn bằng, hoặc cao hơn so với nhà hàng, khách sạn bên ngoài. Sự chuyên nghiệp ấy chính là lý do để các sở, ngành, đơn vị, địa phương lựa chọn Nhà khách làm điểm lưu trú cho khách của mình, góp phần đồng hành quảng bá hình ảnh dịch vụ, văn hóa.

Ghé về TP. Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), nếu ai muốn tìm các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương chỉ cần đi vài bước chân. Nói vậy là bởi ngay sảnh Nhà khách Phố Sen của tỉnh có hẳn gian trưng bày đặc sản, từ nước mắm cá linh, hạt sen, sữa sen, trà sen, xoài sấy, phồng tôm, đến các mặt hàng lưu niệm như khăn rằn, móc khóa… Nhân viên nhà khách chia sẻ, khách đến lưu trú tại đây khá đông nên các sản phẩm rất thuận lợi trong kết nối cung cầu. Còn với khách hàng, kênh lưu niệm này không chỉ tiết kiệm chặng đường đi, mà còn có thể tiện lợi trong chọn lựa mặt hàng ưng ý, chất lượng, mà giá cả lại vừa phải.

Vẫn còn rất nhiều điều để nói về cách làm du lịch của người miền Tây. Tựu chung, dù là người trong ngành du lịch hoặc không, song họ đều nỗ lực góp phần xây dựng hình ảnh một miền Tây phóng khoáng, nghĩa tình và tươi đẹp.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.