Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk: Tín hiệu vui đầu năm

07:01, 03/01/2024

Chào năm mới 2024, du lịch Đắk Lắk tiếp tục khởi sắc với số lượng khách gia tăng tại nhiều điểm đến. Các địa phương, các khu, điểm, đơn vị kinh doanh du lịch có nhiều chương trình vui chơi hấp dẫn, tăng trải nghiệm cho du khách trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 (từ ngày 30/12/2023 đến 1/1/2024).

Điểm nhấn ấn tượng là Chương trình nghệ thuật “Đắk Lắk chào 2024” diễn ra tại Quảng trường 10/3 TP. Buôn Ma Thuột vào tối 31/12/2023. Trong dòng người đổ về quảng trường đón năm mới có rất đông người từ các huyện xa, ai cũng hào hứng phấn khởi, xem đây là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đón một năm mới bình an, hạnh phúc.

Tiết mục " Thênh thang đường mới" tại Chương trình nghệ thuật “Đắk Lắk chào 2024”.

Nằm ở trung tâm thành phố, buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông thu hút khá đông du khách đến khám phá, tìm hiểu đời sống văn hóa, kiến trúc, ẩm thực... Bà H’Kjăp Niê (Khu du lịch sinh thái Ako Ae) cho hay: “Ngày đầu năm mới, chúng tôi tổ chức lễ cúng sức khỏe cho gia chủ và những người thân trong gia đình; cảm ơn các đấng thần linh, ông bà tổ tiên chở che, phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, thành đạt; cầu mong một năm mới hạnh phúc, nhiều sức khỏe”. Được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo và ý nghĩa của người Êđê tại Khu du lịch sinh thái Ako Ae, nhiều du khách rất thích thú. Bà Lê Tuyết Hồng, du khách từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Được trực tiếp trải nghiệm lễ cúng sức khỏe của người Êđê trong không gian văn hóa đậm chất Tây Nguyên, với âm vang cồng chiêng, cùng những nghi thức cúng, uống rượu cần, nhảy múa và giao lưu với người dân nơi đây, tôi rất thú vị và ấn tượng. Hy vọng tôi sẽ có thêm dịp ghé thăm Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk để trải nghiệm nhiều hơn nữa”.

Chợ phiên @ Buôn Ma Thuột cũng là một điểm nhấn của kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch năm nay. Chợ sinh hoạt vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, trùng vào kỳ nghỉ lễ nên thu hút khá nhiều du khách ghé thăm, trải nghiệm. Ngoài những gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tiêu biểu, sản phẩm OCOP, ẩm thực…, nhân dịp năm mới 2024, các gian hàng cũng đã trang trí thêm tiểu cảnh, hay hoa mai, hoa đào, câu đối để mang đến không khí đón xuân vui tươi. Chợ phiên @ Buôn Ma Thuột còn có các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân, trò chơi dân gian sôi nổi, thu hút sự tương tác của du khách...

Các điểm, khu du lịch, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, homestay khác trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức các chương trình ca nhạc, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực… hấp dẫn để phục vụ du khách.

Du khách trải nghiệm Lễ cúng sức khỏe của gia đình bà H’Kjăp Niê tại Khu du lịch sinh thái Ako Ae (buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột).

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, năm 2024, Đắk Lắk phấn đấu thu hút 1,2 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tổng doanh thu du lịch ước đạt 950 tỷ đồng. Và ngay trong dịp Tết Dương lịch năm nay đã đón 21.300 lượt khách, tổng doanh thu đạt 8.520 triệu đồng, tăng 15,49 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 55% là khách từ ngoài tỉnh, công suất phòng bình quân đạt 75%.

Trước đó, nhằm đảm bảo điều kiện cho nhân dân trong tỉnh và du khách nghỉ lễ an toàn, lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn các khu - điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thực phẩm; thái độ phục vụ văn minh, lịch sự và đảm bảo cảnh quan, môi trường; thực hiện nghiêm túc việc đăng ký, kê khai, niêm yết và bán đúng giá niêm yết…

Với tín hiệu thuận lợi trong đầu năm mới, ngành du lịch kỳ vọng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần với thời gian nghỉ dài, hoạt động du lịch tỉnh nhà sẽ tưng bừng, rộn ràng hơn, phấn đấu trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, bản sắc và hấp dẫn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.