Để liên kết du lịch phát huy hiệu quả hơn
Ngành văn hóa du lịch Đắk Lắk vừa cùng đại diện ngành du lịch 17 tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hợp tác, liên kết phát triển trong 5 năm qua.
Đây là một sáng kiến hành động do địa phương khởi xướng, và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương liên kết; song để đạt được những kết quả bền vững, vẫn rất cần được hoạch định để duy trì hoạt động hiệu quả hơn.
Chuyển biến tích cực
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đánh giá, với sáng kiến liên kết phát triển, du lịch địa phương đã nhận được hưởng ứng và kết nối tích cực từ các tỉnh, thành phố như: Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh…
Cụ thể, 6 tỉnh trong cụm liên kết Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum - Quảng Ngãi đã hình thành tinh thần cộng hưởng với các sự kiện, xúc tiến du lịch như cùng tổ chức gian hàng tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2019, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - Hà Nội 2022, Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh 2023, 2024… Với các tỉnh, thành phố khác, sự liên kết cũng thể hiện qua các chương trình phối hợp quảng bá du lịch, như Đắk Lắk cùng làm với Đà Nẵng năm 2020, 2021; Tây Nguyên và 5 tỉnh, thành phố miền Trung kết nối phát triển du lịch năm 2022, tham gia Liên hoan Ẩm thực Hạ Long - Quảng Ninh, Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2022, Lễ hội Đêm trắng Ban Mê năm 2022…
Xây dựng những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo là hướng phát triển qua liên kết du lịch của Đắk Lắk. |
Điểm nổi bật là các tỉnh, thành phố cùng phối hợp khảo sát, định hình các sản phẩm du lịch giá trị hơn. Du lịch Đắk Lắk giữ vai trò đầu mối gợi những ý tưởng, tinh thần sáng tạo, đột phá các sản phẩm đặc hữu cho từng địa phương.
Đơn cử năm 2019, Đắk Lắk và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các tỉnh miền Trung và tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) khảo sát các điểm đến địa phương, xây dựng nhiều tour mới. Các năm 2020 – 2022, các tỉnh cùng tổ chức nhiều đoàn giới thiệu năng lực du lịch từng địa phương, từ Tây Nguyên đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội… với điểm đến chú ý Đắk Lắk.
Năm 2023, hoạt động phát kiến càng được đẩy mạnh; du lịch Đắk Lắk tổ chức hẳn chương trình đón khách đầu tiên mùa Tết Nguyên đán; mời Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh khảo sát xây dựng tour du lịch đặc trưng, vận động các doanh nghiệp du lịch địa bàn thực hiện kích cầu, xây dựng chương trình “Người Đắk Lắk du lịch Đắk Lắk”.
Theo ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk), từ những hoạt động ấy, nhiều sản phẩm du lịch mới đã được xây dựng, như liên kết tour xuyên tỉnh Pleiku - Kon Tum - Măng Đen; Gia Lai - Kon Tum - Măng Đen - Buôn Ma Thuột… Một tinh thần tập trung phát triển đa dạng các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nông nghiệp... đã được các tỉnh, thành phố cùng nghiên cứu, nỗ lực đa dạng hóa, chuyên nghiệp hơn và bản địa hơn.
Bốn lưu ý thiết thực
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chia sẻ, qua thực tế 5 năm hợp tác nghiên cứu, tinh thần liên kết giữa các tỉnh, thành phố đã được bồi dưỡng tốt hơn. Nhiều hoạt động du lịch mới đã triển khai, vượt qua những rào cản như cách trở địa lý, hạn chế về hạ tầng, khác biệt khí hậu… Để tiếp tục phát huy tốt tinh thần phát triển này, Đắk Lắk và các tỉnh, thành phố liên kết đang cùng xem xét, giải quyết bốn lưu ý lớn.
Đó là cần tăng cường, hiệu quả hơn nữa các hoạt động đồng hành, kết nối quảng bá bên nhau, cùng triển khai những “thương hiệu chung” khi tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố công khai minh bạch, cùng nhau trao đổi các thông tin về thực tiễn du lịch, định hướng quy hoạch và kêu gọi đầu tư, cùng sẻ chia những kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về phát triển du lịch, giải quyết những vướng mắc trong thanh kiểm tra, tư vấn, hợp tác quốc tế... Điều này sẽ giúp ngành du lịch các địa phương tăng cường được mối liên hệ giữa các cấp, các ngành quản lý kinh tế xã hội khác, đốc thúc kêu gọi đầu tư hiệu quả hơn vào các sản phẩm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…
Du lịch chèo thuyền vượt thác tại cụm thác Drai Nur - Gia Long. Ảnh: Hữu Hùng |
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố phải mạnh dạn cùng xây dựng những nhóm sản phẩm du lịch liên kết phù hợp, vừa làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương vừa tạo cơ hội liên hoàn khai thác du lịch, thu hút du khách. Cần tạo điều kiện và vận động các doanh nghiệp du lịch xây dựng những tour, tuyến, điểm đến hấp dẫn, tạo sức mạnh khai thác hiệu quả các dòng khách giữa các địa phương liên kết. Ý tưởng về những mô hình “từ rừng xuống biển”, “từ đô thị lên núi cao” cần được khai thác và tổ chức hiệu quả, thiết thực.
Cuối cùng, các tỉnh, thành phố cần tăng cường liên kết đào tạo, trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch lẫn nhau, xây dựng những đội ngũ nhân lực quản lý, điều hành, hướng dẫn viên chất lượng, từ trong các đơn vị quản lý đến các cơ sở du lịch, điểm đến đầu tư… để cùng tạo sức mạnh con người du lịch chung.
“Những vấn đề này, chúng tôi tin tưởng sẽ tạo thêm chuyển biến mạnh mẽ cho các hoạt động liên kết du lịch các tỉnh thành hiện nay, và những tỉnh thành tiếp tục liên kết trong tương lai”, ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh.
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc