Multimedia Đọc Báo in

Du lịch với… chợ!

16:19, 28/11/2024

Quá trình đô thị hóa, các siêu thị, trung tâm thương mại theo đó phát triển mạnh mẽ, nhưng chợ vẫn là hình ảnh quen thuộc, trở thành bản sắc khó phai đối với mỗi người.

Dù là chợ “nhỏ”, chợ “xếp”, chợ “chiều” hay chợ “hẻm”… đều mang đậm nét sinh hoạt kẻ chợ, thôn, xã truyền thống. Chợ ở đâu, sự thân thiện ở đó. Vì thế mà không ít người cho rằng, đi đến đâu, muốn tìm hiểu về văn hóa, bản sắc, nếp sinh hoạt của người dân địa phương đó hãy vào ngay các khu chợ.

Đắk Lắk có nhiều địa điểm được xem là “thiên đường” cho những tín đồ du lịch đam mê khám phá. Nếu đến nơi đây mà chưa rành đường, chưa biết mua gì làm quà, ăn gì để trải nghiệm văn hóa thì... chợ là gợi ý đầu tiên.

Du khách check-in, chụp ảnh lưu niệm tại chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột.

Với vùng đất trù phú như Đắk Lắk, chắc hẳn trước tiên chợ là nơi nhà nông đem nông sản ra bán, nhà vườn mang trái cây ra họp chợ, và còn là nơi để trao đổi máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất. Một không gian thể hiện nét văn hóa vùng miền, giao tiếp của cộng đồng, nơi giao lưu giữa nông thôn và phố thị. Không ít du khách tìm đến đây để trải nghiệm văn hóa với những điều thú vị riêng có của từng chợ.

Có quy mô lớn nhất của tỉnh, chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột cách Ngã sáu Ban Mê vài bước chân, và còn gần không ít điểm tham quan thú vị khác như: Bảo tàng Đắk Lắk, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột, Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột…, nên du khách có thể kết hợp cho hành trình du lịch một cách hợp lý, thuận tiện.

Chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chứng kiến nhiều thăng trầm đổi thay của phố núi Ban Mê. Từ một khu chợ ọp ẹp nằm sát Sân vận động tỉnh, nay chợ được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại với diện tích hơn 13.000 m2, gồm 5 tầng và phân thành 3 khu vực, có hơn 1.500 quầy, sạp bày bán đủ loại hàng hóa từ bình dân đến cao cấp. Chợ có đến 16 cổng để vào ra, khách mua sắm, di chuyển qua các khu vực có thể sử dụng thang máy, thang cuốn, cầu thang bộ và cầu vượt. Do đó, nơi đây còn là điểm được nhiều người tìm đến check-in, lưu giữ kỷ niệm đẹp về Ban Mê. Thú vị hơn nữa, đến đây du khách bắt gặp nhiều loại ngôn ngữ khi trao đổi, bán mua. Điều này chẳng lạ, khi Đắk Lắk có đến 49 dân tộc cùng chung sống.

Không chỉ là nơi mua sắm hàng hóa mà “thiên đường” ẩm thực cũng hội tụ ở chợ này. Chợ dành hẳn một khu vực bày bán ẩm thực, từ các món ăn đặc trưng của địa phương đến đặc sản vùng miền như bánh lọc, nậm, ram ít của xứ Huế; bánh tổ, bánh tét làm nên phong vị xứ Quảng; bơ, sầu riêng, hồ tiêu, măng khô và cả món bún đỏ “huyền thoại”, độc lạ của người Đắk Lắk... Với những người sành ăn ở xứ sở này, nhất định phải tìm đến chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột để ăn cho được tô bún măng gà trứ danh ở quầy cô Hồng, cô Đầm; thưởng thức ly chè thơm ngon nức tiếng Ban Mê của quầy chè Hồng, chè Nga… thì mới gọi là chuẩn vị.

Và không phải đâu cũng có được như ở Đắk Lắk, không cần vào các nhà hàng, quán ăn nổi tiếng mà chỉ cần ra chợ là đã dễ dàng tìm thấy các loại rau, quả là nguyên liệu để làm nên những món ăn “độc, lạ, trứ danh” của đồng bào bản địa như: rau rừng, cà đắng, quả núc nác… mang đậm hương vị núi rừng. Người Đắk Lắk hào sảng và mến khách, với du khách từ xa đến sẽ được tiểu thương ở chợ vui vẻ giới thiệu tường tận nguồn gốc từng loại rau, quả, cách chế biến thành các món ăn yêu thích cũng như văn hoá ẩm thực của người dân địa phương.

Chợ Trung tâm Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến thu hút khách tham quan.

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, thổ nhưỡng trù phú nên vùng đất bazan còn “hạp” để  nhiều loại cây trái bén rễ tươi tốt, cho trái sum suê. Vì thế, du lịch với chợ trên cao nguyên Đắk Lắk còn thú vị và hấp dẫn hơn khi địa phương vào mùa trái chín. Bắt đầu từ đầu tháng 7, nhiều loại cây trái đặc sản như: sầu riêng, bơ, na, ổi, chôm chôm… đồng loạt vào mùa. Với không ít “tín đồ’ du lịch, họ chọn đi vào đúng thời điểm này để thỏa sức thưởng thức những thứ quả đặc sản thanh ngọt được trồng ngay trên vùng cao nguyên nắng gió. Và không đâu bằng chợ truyền thống, nhất là các chợ lớn tại TP. Buôn Ma Thuột như: chợ đầu mối Tân Hòa, chợ Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, chợ Tân An…, thời gian này trở thành “thiên đường” của các loại trái cây. Chưa kể, trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ từ TP. Buôn Ma Thuột xuôi về các huyện Cư M’gar, Krông Pắc... trái cây đặc sản của địa phương được bày bán bắt mắt ven đường như cuốn chân du khách. Vì là “ mùa nào thức ấy” nên mặt hàng này vừa tươi ngon, giá cả lại “mềm”... mời gọi người mua.

Với nhiều người, đi chợ như một thói quen khó bỏ. Có người muốn đi chợ truyền thống vì nơi đó có nhiều “quà quê, cá ao, rau ruộng”, có người đến chợ vì thích cảm giác được tha hồ lựa chọn, trả giá, nhưng cũng có không ít người đến chợ vì mê nét văn hóa tứ phương dồn cả trong chợ, lại có người tìm đến chợ vì muốn hoài niệm chút phong vị xưa cũ. Riêng với vùng đất nhiều nông sản, đặc sản và văn hóa mang nhiều bản sắc đặc sắc như Đắk Lắk thì chợ chứa đựng biết bao điều thú vị.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.