Phượt ở Buôn Ma Thuột: Rừng trong phố…
Môi sinh rừng và tâm thức với rừng là một trong những khởi nguyên để khai sinh ra nhiều tên đất tên buôn ở Buôn Ma Thuột. Và tên gọi cũng như đời thực, trên hành trình khám phá, chúng tôi ngỡ ngàng, trầm trồ khi được người dân bản địa hướng dẫn ngao du, thỏa thích đắm chìm trong không gian xanh đậm bản sắc. Ít nơi nào có được như ở Buôn Ma Thuột: rừng ở ngay trong phố, trong phố có rừng…
Trong tiếng Êđê, Kmrơng Prông có thể hiểu là rừng lớn. Thôi thúc được tìm hiểu và chúng tôi đã mục sở thị cánh rừng lớn ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu). Không gian thư thái, yên bình, lồng ngực căng tràn khi được hít thở bầu không khí đại ngàn mà rừng lớn mang lại. Nói về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông Y Wih Êban (69 tuổi), Bí thư Chi bộ, người có uy tín ở buôn Kmrơng Prông B tự hào rằng, buôn sở hữu nguồn nước ngầm dồi dào, không khí mát lành quanh năm nhờ có cánh rừng lớn ở đầu nguồn. Chẳng biết rừng có từ bao giờ, nhưng từ khi ông và nhiều thế hệ khác ở buôn làng sinh ra đã được tận hưởng bóng mát nhờ cánh rừng già che chở. Không chỉ có những cây cổ thụ cao vút, 3 – 4 người ôm không xuể, khu rừng còn là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm.
![]() |
Cánh rừng ở buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. |
Rừng như vị “thành hoàng” của buôn Kmrơng Prông B. Già trẻ, gái trai trong buôn đều tâm niệm rừng luôn có thần linh bảo vệ, nên khi bước vào cánh rừng là phải thực hiện những hành vi chuẩn mực, tốt đẹp, không nói bậy, chửi thề, không làm những điều xấu hay có hại cho buôn làng. Câu chuyện đã từ nhiều năm trước nhưng vẫn được đồng bào truyền tai nhau rằng, ở trong buôn có một thanh niên từng vào rừng đào cây lạ về trồng; đêm đến anh nằm mơ thấy thần rừng về đòi lại cây. Bởi vậy, người dân trong buôn không ai bứng cây, chặt phá, mà thường xuyên có ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng. Quyết tâm giữ bằng được khu rừng, chỉ cần thấy ai vào rừng vì lợi ích cá nhân, bà con đều thông tin cho trưởng buôn và bí thư chi bộ nắm tình hình để kịp thời xử lý. Theo hương ước của buôn làng, ai chặt cây rừng sẽ phải cúng trâu, bò để xin thần linh thứ lỗi.
Dù điều kiện sống khấm khá hơn, nhà nhà sẵn giếng đào, máy bơm, song nhiều gia đình trong buôn vẫn giữ nếp quen xuống bến đầu nguồn ở rừng, gùi dòng nước mát về sử dụng. Các mẹ, các bà như H'Thiên Byă, H'Bon Byă, H'Duôm Ayun... vẫn đều đặn có mặt ở bến đầu nguồn để lấy nước mỗi sáng, chiều. Với họ mỗi ngày đi qua cánh rừng, lên xuống các bậc dẫn đến bến nước vừa để vận động, thể dục vừa gắn kết tình cảm cộng đồng và quan trọng hơn cả là được hứng nguồn nước suối để tận hưởng rõ hơn cảm giác thanh mát, ngọt ngào trong bữa ăn gia đình…
Rừng cũng là tài sản quý giá của buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi) – buôn du lịch cộng đồng nức tiếng ở phố núi Ban Mê. Nằm ở trung tâm thành phố, nhưng khác xa ồn ào phố thị, cây rừng đã ban tặng cho nơi đây một bầu không gian tươi mát đến mê hoặc. Ama Pi là người có uy tín của buôn. Ngôi nhà của gia đình ông nằm ngay ngã ba, điểm nối xuống con đường rợp bóng cây rừng. Ama Pi tự hào lắm khi buôn được sở hữu món quà thiên nhiên ban tặng. Cũng như buôn Kmrơng Prông B, rừng với Ama Pi và đồng bào trong buôn Akô Dhông là nguồn sống, chở che, nuôi dưỡng gắn bó thủy chung với mọi thế hệ. Rừng giữ mạch nguồn cho bến nước tuôn chảy. Yêu rừng, yêu buôn, Ama Pi đã dày công tìm hiểu về sự hình thành của buôn Akô Dhông, những phong tục, tập quán đẹp của người Êđê để sẵn lòng quảng bá, giới thiệu đến du khách. Trong đó có nhiều nét văn hoá, tín ngưỡng liên quan đến sông, suối, đến rừng như cách dựng buôn, đặt tên buôn, các lễ cúng, nhà ở, nhạc cụ…
Màu xanh cứ dẫn dụ để ra khỏi rừng ở các buôn làng, chúng tôi lại lạc bước vào những không gian xanh khác. Theo hướng Đông Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 12 km là Lâm viên Ea Kao được ví như viên ngọc xanh với tổng diện tích tự nhiên khoảng 67 ha, trong đó đất có rừng chiếm 42,3 ha, chủ yếu là rừng lá rộng thường xanh, được đơn vị chức năng chăm sóc, bảo vệ và phát dọn thường kỳ. Ngay trong nội thành của phố núi, những mảng xanh cổ thụ ở ngay khuôn viên Bảo tàng tỉnh; những hàng cây rợp bóng dọc các tuyến phố Lê Duẩn, Mai Hắc Đế, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Giót, Phạm Ngũ Lão, Phan Bội Châu… cũng tưới mát không gian và cả tâm hồn. Và chẳng đâu xa, ngay khi bạn hạ cánh, chạm chân, Buôn Ma Thuột đã gửi lời chào xanh, thân thiện và mến khách bằng cung đường rợp bóng cây dẫn vào cảng hàng không; bằng khu rừng chừng 71 ha nằm hai bên đường Nguyễn Lương Bằng dẫn vào trung tâm thành phố.
![]() |
Đồng bào một số buôn làng vẫn giữ thói quen xuống bến nước đầu nguồn những khu rừng để gùi nước về dùng. Ảnh: Hoàng Gia |
Trên hành trình xây dựng để xứng tầm trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột đầu tư, chỉnh trang, kiến thiết thêm các tiểu hoa viên, hoa viên, công viên trên dọc các tuyến phố như Nguyễn Tất Thành, Lê Duẩn, Võ Văn Kiệt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Cơ Thạch... Thành phố cũng đã và đang trồng mới hàng nghìn cây xanh để làm đẹp thêm các tuyến đường, các khu vực công cộng. Đồng bào các dân tộc nơi đây tự tay chọn lựa, trồng, chăm sóc những vườn cây trái; phát huy lợi thế của thành phố xanh, thiết kế không gian sống thành các điểm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm vừa hoang sơ hữu tình vừa hiện đại để thu hút du khách.
Trải nghiệm rồi thì sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi ngoài cà phê trứ danh, Buôn Ma Thuột còn thêm những thương hiệu khác, trong đó có danh xưng về một thành phố nhiều cây xanh nhất cả nước, với tỷ lệ cây xanh toàn thành phố 17,2 m2/người, cao gấp 30 lần so với TP. Hồ Chí Minh và gấp 8,34 lần so với Thủ đô Hà Nội.
Trong không khí xanh mát của những khu rừng trong phố, hành trình khám phá thành phố đáng sống này còn cả một bầu trời trải nghiệm hấp dẫn và thú vị đang chờ đón với những câu chuyện về đời của phố, về những cư dân ở khắp nẻo miền quê đất nước đã chọn, đã đến, đã yêu và gắn bó. Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột!!!
Bài 3: Đời của phố
Việt Minh Khôi
Ý kiến bạn đọc