Multimedia Đọc Báo in

Nam Du - lời mời gọi từ phía cuối trời Nam

07:07, 20/07/2025

Giữa trùng khơi phía Tây Nam của Tổ quốc, quần đảo Nam Du như lời mời gọi những người say mê vẻ đẹp nguyên sơ và thích khám phá.

Viên ngọc xanh giữa trùng khơi

Chúng tôi đến Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang cũ, nay thuộc đặc khu Kiên Hải, tỉnh An Giang) vào mùa biển lặng. Cách Rạch Giá gần 100 km về phía Đông Bắc, quần đảo Nam Du gồm 21 đảo, được mệnh danh là vịnh Hạ Long trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Từ Rạch Giá đi tàu cao tốc gần 3 giờ là đến quần đảo Nam Du; mỗi ngày có hai chuyến tàu cao tốc rẽ sóng đưa du khách đi – về. Nhưng chúng tôi không đến Nam Du từ Rạch Giá mà đến từ Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) - một trong những đảo tiền tiêu quan trọng trên vùng biển phía Tây Nam, nơi có địa hình rất phức tạp, khí hậu khắc nghiệt.

Quần đảo Nam Du thì khác, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi. Bởi vậy, 11 đảo thuộc quần đảo này đều có cư dân sinh sống.

Tàu cập cảng. Cả đoàn háo hức lên Hòn Lớn, còn gọi là Hòn Củ Tron - đảo lớn nhất, trù phú nhất trong quần đảo Nam Du. Ông Nguyễn Văn Năm - một người dân địa phương nhiệt tình chở tôi đi một vòng quanh đảo. Con đường bê tông uốn lượn, dài hơn 10 km, một bên là vách đá, thi thoảng có những khách sạn dọc trên triền đồi; một bên là những tán cây. Và, tiếp nối màu xanh của cây cối là màu cát vàng trên bãi biển thoai thoải, dịu dàng sóng vỗ. Biển xanh như ngọc. Điểm xuyết trên bức tranh màu ngọc ấy là những hòn đảo lớn nhỏ, là tàu thuyền qua lại. Xa tít tắp, màu biển nối với màu trời.

Biển trời Nam Du.

Ông Năm tự hào giới thiệu: “Từ chân đảo lên tới đỉnh hơn 3 cây số. Đảo này có những bãi biển đẹp, như bãi Cây Mến, bãi Ngự... Cô tới Nam Du đúng vào mùa đẹp trong năm”. Xe dừng lại ở ấp Bãi Ngự, nơi có Dinh Ông Nam Hải, còn gọi là Nam Hải Ngư Thần miếu, thờ Ông (cá voi) – một nơi linh thiêng đối với ngư dân nơi đây. Theo lời ông Năm, ngôi miếu này có từ lâu lắm rồi. Trong miếu, ngoài những bộ xương Ông được đưa về đây từ trước để gìn giữ, thờ cúng, có một bộ xương khổng lồ. Chỉ vào bộ xương, ông Năm kể: “Ông lụy vào năm 2017, ngoài biển. Bà con phát hiện, đưa vô bờ. Họ tách nhục thể ra, đem đi thiêu, còn xương đem rửa sạch, đánh dấu từng lóng, khử trùng xong thì ráp lại, đưa vô miếu thờ. Ngôi miếu sau đó được tu sửa rộng rãi hơn, chứ lúc trước nhỏ thôi”.

Tại các làng biển, giữa tiếng sóng rì rầm và hương biển mặn mòi, có một niềm tin bền bỉ khắc sâu theo năm tháng: tín ngưỡng thờ Ông. Đó là một biểu hiện sinh động của văn hóa miền biển Việt Nam, nơi con người sống giao hòa, nương tựa và tri ân đại dương; nơi khát vọng trời yên biển lặng, nhà nhà ấm no được thể hiện qua những nghi lễ thấm đẫm hồn biển cả.

 

Thời gian đẹp nhất để đến quần đảo Nam Du là từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau. Đó là khoảng thời gian Nam Du đón du khách bằng nắng vàng, biển xanh trong và những con sóng dịu dàng khe khẽ.

Trên đảo Hòn Lớn, ngoài trường học, trạm y tế và các công trình an sinh xã hội, còn có Trạm radar 600 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Đồn Biên phòng 742 và Trạm hải đăng Nam Du. Từ độ cao hơn 300 m so với mặt biển, “mắt biển” Nam Du ngày đêm canh giữ biển trời Tây Nam của Tổ quốc, là một điểm đến mà những người thích khám phá khó lòng bỏ qua. Theo con đường quanh co rợp bóng cây lên Trạm hải đăng Nam Du, khách tham quan nghe gió lộng bốn bề và thu vào tầm mắt toàn cảnh quần đảo Nam Du đẹp như tranh vẽ.

Đất lành   

Ông Năm là người An Biên (tỉnh Kiên Giang cũ, nay thuộc An Giang). Ông rời đất liền ra đảo từ hơn 40 năm trước. Thời trẻ, ông làm việc tại Văn phòng Huyện ủy An Biên. Sau khi huyện Kiên Hải được thành lập (năm 1983), ông là một trong số những cán bộ được phân công ra Kiên Hải, làm việc tại UBND huyện, trên xã đảo Hòn Tre. Bốn năm sau, ông được điều qua xã đảo Lại Sơn, rồi đến xã đảo An Sơn. Chừng ấy năm gắn bó với đảo, ông Năm coi nơi này là quê hương thứ hai của mình.

Dân trên đảo sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; một số người kinh doanh dịch vụ. Cũng là người An Biên, hơn 20 năm trước, bỏ đám ruộng mỗi năm chỉ cho một mùa lúa, vợ chồng bà Trần Thị Oanh dắt 3 đứa con ra Hòn Lớn lập nghiệp. “Nghe người ta nói ở Nam Du dễ sống hơn nên cả nhà ra đây. Lúc đó đi tàu gỗ, hơn 4 tiếng đồng hồ mới tới. Bây giờ có tàu cao tốc, đi nhanh hơn nhiều”, bà Oanh chia sẻ. Bà bán đặc sản Nam Du cho khách du lịch, chồng đi biển, các con đều đã yên bề gia thất.

Cũng có nhiều người được sinh ra và lớn lên trên đảo; ông bà, cha mẹ đều là người trên đảo này, như chị Lê Kim Thúy, chủ quán cà phê Thúy Lê. “Gia đình chị bốn đời ở Nam Du đó cưng”, chị Thúy xởi lởi chia sẻ, cách nói đậm chất miền Nam. Chị kể rằng cuộc sống ở đây ổn, không khí trong lành.

Bãi Cây Mến.

Trước khi sáp nhập, trên quần đảo Nam Du có hai đơn vị hành chính cấp xã, là xã An Sơn và xã Nam Du, với hơn 1.100 hộ dân (hơn 4.100 người) sinh sống. Những năm gần đây, Nam Du phát triển du lịch. Các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng một số cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, có thể đón 1.000 - 1.200 khách trong một ngày.

Theo lời người dân địa phương, thời gian đẹp nhất để đến quần đảo Nam Du là từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau. Đó là khoảng thời gian Nam Du đón du khách bằng nắng vàng, biển xanh trong và những con sóng dịu dàng khe khẽ.

Đến hòn đảo trù phú nhất của quần đảo Nam Du, du khách không thể bỏ qua bãi Cây Mến – bãi biển thơ mộng với những hàng dừa nghiêng nghiêng soi bóng, đắm mình trong làn nước xanh trong và nghe sóng thì thầm. Du khách cũng có thể lặn ngắm san hô, câu cá, thuê xe máy đi vòng quanh đảo ngắm cảnh và thưởng thức các món đặc sản tươi ngon đậm đà vị biển như: nhum nướng mỡ hành, cá xương xanh nướng, ốc mắt ngọc nướng, lẩu cá bớp...

Ở Nam Du, thời gian như chậm lại. Giữa khung cảnh nguyên sơ, không gian khoáng đạt, bắt gặp nụ cười hồn hậu, ánh mắt thật thà của người dân địa phương, lòng thật bình yên. Không có những khu du lịch nhộn nhịp, không có tiện nghi sang trọng, Nam Du là nơi dành cho những người muốn tìm một khoảng lặng, một góc riêng để lắng nghe chính mình.

Yên Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Bác sĩ của ... voi
Ở Đắk Lắk, có những bác sĩ không làm việc trong bệnh viện mà gắn bó với rừng, với buôn làng để chăm sóc những “bệnh nhân” khổng lồ là những con voi nhà. Công việc của họ thầm lặng nhưng đầy gian nan, góp phần bảo vệ một loài vật quý đang đứng bên bờ tuyệt chủng.