Trường vùng sâu ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học
Trường Tiểu học Cư Pui 1 nằm ở xã vùng sâu Cư Pui của huyện Krông Bông, phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh rất khó khăn. Song trong những năm qua, Trường Tiểu học Cư Pui 1 đã có nhiều nỗ lực trong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học.
Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Cư Pui 1 có 703 học sinh, trong đó trên 80% là người dân tộc M’nông, Êđê, Mường, Thái... Dù điều kiện rất khó khăn nhưng nhà trường có lợi thế là nhiều giáo viên trẻ, năng động và nhiệt huyết. Trong các tiết dạy, nhiều thầy cô đã mạnh dạn dạy học bằng giáo án điện tử, qua đó đã khơi gợi hứng thú học tập của học sinh, giúp các em tiếp thu bài học tốt hơn.
Ngoài thầy Ngô Quang Huy là giáo viên chuyên về CNTT thì phải kể đến thầy Nguyễn Đăng Ninh, cô Võ Thị Cẩm Thi, cô Phạm Thị Thu Hà, cô Nguyễn Thị Phương Thanh, cô Trần Thị Lệ… là những giáo viên có trình độ CNTT vững vàng. Nhiều thầy cô thành thạo trong cài đặt và sử dụng các phần mềm dạy học; thường xuyên viết sáng kiến kinh nghiệm về lĩnh vực CNTT; thậm chí đoạt giải cao trong các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử các cấp…
Đơn cử như tại Hội thi “Thiết kế bài giảng điện tử” cấp huyện bậc tiểu học vừa qua, Trường Tiểu học Cư Pui 1 có 8 bài tham gia và cả 8 bài dự thi đều được công nhận, nhà trường được xếp giải Nhất toàn đoàn, trong đó có 3 giải A, 1 giải B, 2 giải C.
Những tiết dạy bằng giáo án điện tử đã trở thành phổ biến tại Trường Tiểu học Cư Pui 1. |
Dù nằm ở vùng sâu song Trường Tiểu học Cư Pui 1 là một trong số ít trường tiểu học của huyện Krông Bông đã tổ chức dạy môn Tin học cho học sinh. Năm 2019, trường được các nhà hảo tâm tặng 20 máy tính để bàn. Cùng với sự đồng thuận của phụ huynh, nhà trường đã mở được phòng máy tính dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 theo hình thức xã hội hóa. Đặc biệt, vào đầu năm học 2021 - 2022, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, học sinh không thể đến trường để học trực tiếp, Trường Tiểu học Cư Pui 1 đã chủ động chuyển sang tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến, giao bài. Khởi đầu với muôn vàn khó khăn bởi học sinh đa số là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, thiếu thiết bị, chưa lắp đặt mạng Internet…, hằng ngày các thầy cô giáo của trường phải đến từng gia đình vận động phụ huynh mua thiết bị, sim điện thoại kết nối mạng Internet… Trường còn vận động được một số nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua thiết bị học online cho học sinh. Nhờ cách làm chủ động này, chỉ trong thời gian ngắn đã có gần 600 học sinh của trường (chiếm 84% học sinh toàn trường) đủ điều kiện để học online.
Khi vào đầu năm học, một số thầy cô chưa có máy vi tính, chưa có kinh nghiệm về dạy online… song bằng nỗ lực, lòng quyết tâm, đến nay 35/35 giáo viên của nhà trường đều có máy tính kết nối mạng để dạy học trực tuyến. Trường còn thành lập tổ CNTT gồm những thầy cô giỏi về CNTT để hướng dẫn, tập huấn, hỗ trợ những thầy cô mới làm quen. Nhà trường bố trí mỗi khối lớp có từ 1 - 2 thầy cô trẻ, nhanh nhẹn, nhiệt tình, giỏi về CNTT để thường xuyên hỗ trợ cho các giáo viên khác. Nhờ vậy, kể cả một số giáo viên lớn tuổi trong trường hiện đã ứng dụng có hiệu quả CNTT trong dạy học.
Giáo viên Trường Tiểu học Cư Pui 1 thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. |
Hiện nay các trường học trên địa bàn huyện Krông Bông đã chuyển sang dạy học trực tiếp do tình hình dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên của Trường Tiểu học Cư Pui 1 vẫn thường xuyên tập huấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực CNTT để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến khi cần. Cô Võ Thị Kim Thùy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường nên nhà trường luôn động viên các thầy cô giáo tiếp tục tự học, nâng cao năng lực về CNTT; vận động phụ huynh mua sắm thiết bị học online cho học sinh để ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc