Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng hình thức tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

07:44, 10/04/2023

Thực hiện Đề án 1008/QĐ-TTg, ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 (2016 - 2020), UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 2 (2021 - 2025).

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai các hoạt động, giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS.

Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) có trên 670 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm gần 70%. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, các em ở với ông bà nên không thạo tiếng phổ thông. Vì vậy, khi mới vào trường, trẻ thường thụ động, tự ti, ít giao tiếp khiến việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn.

"Góc địa phương" trong các lớp học của Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) góp phần giúp học sinh dân tộc thiểu số học tốt tiếng Việt.

Để giúp các em làm quen với tiếng Việt, các phòng học của trường đều được trang trí rất sinh động. Nội quy lớp học được thiết kế theo sơ đồ hình cây, mỗi nhánh, lá có một màu sắc riêng thể hiện một nội dung ngắn gọn, dễ nhớ. Không gian của từng bức tường trong phòng học đều được tận dụng để làm góc trưng bày, góc địa phương, góc thư viện với các vật dụng quen thuộc, gần gũi giúp học sinh dễ dàng làm quen và ghi nhớ tiếng Việt.

Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng tập huấn và tạo điều kiện cho giáo viên bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, tăng cường dự giờ, thao giảng, kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm. Cô Trần Thị Mỹ Hòa, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi cho hay, không chỉ tăng thời lượng dạy tiếng Việt cho học sinh từng khối, giáo viên của trường đều được tập huấn và sử dụng các tài liệu tăng cường tiếng Việt đã được Bộ GD-ĐT thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động trao đổi với phụ huynh học sinh tăng cường sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày; sưu tầm tranh ảnh, làm đồ dùng dạy học giúp các em hiểu và biết cách sử dụng tiếng Việt.

Toàn tỉnh hiện có 1.009 trường học từ mầm non đến THPT với 488.420 học sinh, trong đó, tỷ lệ học sinh DTTS chiếm khoảng 41%. Phần lớn học sinh vùng DTTS có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ em DTTS từ 3 - 4 tuổi đi học mẫu giáo còn thấp, vì vậy ít có cơ hội giao tiếp tiếng Việt. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, nhiều điểm trường xa, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất ở các điểm trường chưa được quan tâm đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Không gian lớp học và các hoạt động giúp học sinh của Trường Mẫu giáo Tuổi Hồng, Điểm trường thôn 3 (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) làm quen với tiếng Việt và tăng khả năng giao tiếp.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS giai đoạn 2, từ năm học 2021 - 2022, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường dạy tăng thời lượng tối thiểu 27 - 32 tiết/tuần đối với lớp 1, 2; dạy tăng thời lượng tiếng Việt 2 - 4 tiết/tuần; ứng dụng có hiệu quả bộ tài liệu “Em nói tiếng Việt” lớp 1, “Tăng cường tiếng Việt” lớp 2, lớp 3; tổ chức cuộc thi tự làm, sử dụng đồ dùng dạy học các cấp, thi xây dựng môi trường tiếng Việt trong trường tiểu học; tổ chức sân chơi “Trạng Nguyên Tiếng Việt” qua mạng Internet, giao lưu tiếng Việt của chúng em; phát động phong trào đọc sách và xây dựng thư viện thân thiện trường tiểu học... Qua đó, góp phần phát triển năng lực ngôn ngữ cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo tiền đề để trẻ học tập, tiếp thu kiến thức của các cấp học tiếp theo.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Kim Oanh, để đạt mục tiêu trong giai đoạn 2 của Đề án, các cấp, ngành quan tâm tham mưu, bố trí đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là các môn tiếng Anh, tin học, tiếng dân tộc; xây dựng trường chuẩn quốc gia, phòng học, phòng phục vụ học tập, thư viện... bảo đảm dạy học 2 buổi/ngày. Đồng thời có chính sách đặc thù đối với giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS; quan tâm nâng cao đời sống cho người dân vùng DTTS.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.