Con có mệt mỏi khi làm… “siêu nhân”!?
Trẻ em đang trở thành những “siêu nhân” khi học chính khóa cả ngày ở trường, đến lớp học thêm buổi chiều tối và làm bài tập tại nhà vào buổi tối.
Một lịch học dày đặc cho thấy sự quan tâm chu đáo của phụ huynh đối với việc học của con em mình nhưng lại vô tình quên đi sự điều tiết hợp lý giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi, rèn luyện sức khỏe cho trẻ.
Với chương trình học hai buổi trên trường như hiện nay, về nhà học sinh vẫn phải làm bài tập; nếu người lớn trong nhà không thể kèm cặp thì phải cho con đi học thêm buổi tối hoặc thuê gia sư tại nhà; rồi tham gia các lớp tiếng Anh tại trung tâm vào cuối tuần… Chị T.T.H. (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có con học lớp 2 và lớp 4 cho biết, vì không có thời gian và khả năng kèm con học theo chương trình hiện hành nên sau giờ học tại trường, chị cho con học thêm các buổi tối trong tuần từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30; cuối tuần học tiếng Anh tại trung tâm từ 8 giờ tới 10 giờ.
Học sinh xã Krông Á (huyện M’Drắk) tham gia Chương trình Đêm hội trăng rằm tại địa phương. |
Tương tự, anh L.V. P. (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, toán lớp 2 chương trình quá nặng, mỗi bài giải phải thực hiện liên tiếp nhiều phép tính khác nhau. Chưa kể, đề bài còn có sự đánh đố dễ gây hiểu lầm. Phương pháp dạy và học sau nhiều năm đổi mới giáo dục cũng khác trước rất nhiều nên bản thân anh không thể dạy con học, do đó phải cho con đi học thêm tại các trung tâm.
Với muôn vàn lý do, mỗi ngày nhiều học sinh bắt đầu rời khỏi nhà để đến trường lúc 6 giờ 30 và trở về nhà lúc 19 giờ 30, kết thúc việc học lúc 21 giờ mỗi ngày, trong khi đó thời gian làm việc chính thức của người lớn là 8 giờ/ngày. Chưa tính lượng kiến thức các em được tiếp nhận như thế nào nhưng chỉ cần nhìn vào thời khóa biểu, số lượng sách giáo khoa các em mang theo tới trường mỗi ngày đã thấy sức nặng và áp lực học tập. Thời gian học tăng đồng nghĩa thời gian vui chơi, nghỉ ngơi của trẻ bị cắt giảm. Việc giải trí hay vui chơi chỉ có thể thông qua các phương tiện như phim ảnh, ca nhạc hoặc trò chơi điện tử…
Trẻ không được vui chơi, tương tác với nhau trong thực tế cuộc sống dẫn đến khi va chạm, mâu thuẫn với nhau các em không thể giải quyết được mà phải lựa chọn bạo lực dẫn đến nguy cơ bạo lực học đường gia tăng ở mọi lứa tuổi. Chưa kể, việc học tập với cường độ cao và quá thời gian cho phép còn kéo theo nguy cơ trẻ chán nản, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tiếp thu kiến thức của các em; thay vì chủ động học tập, khám phá tri thức thì các em phải tham gia trong tình thế luôn ép buộc, đối phó, mệt mỏi; trực tiếp gây mệt mỏi cho thầy cô và chính phụ huynh.
Trên thực tế, bản thân các trường học cũng ý thức được tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho học sinh nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa thật sự như mong muốn. Bởi thời gian học tại trường 2 buổi/ngày đã được ấn định theo khung kế hoạch chung của nhiều trường. Thêm nữa để tổ chức bài bản thì nhà trường phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, kế hoạch chương trình cụ thể với thời gian đủ dài; giáo viên tham gia phải được đào tạo chuyên sâu để tổ chức hoạt động ngoại khóa bảo đảm yếu tố giáo dục, vui chơi và thu hút sự tham gia của học sinh.
Chị Phạm Thị Phương, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột có con học tiểu học tại một trường học trên địa bàn chia sẻ, theo lịch thời khóa biểu thì mỗi ngày con chị học 8 tiết; trong đó học kỳ I có những hôm học 6 môn văn hóa/ngày bao gồm 2 tiết sinh hoạt câu lạc bộ Toán và Tiếng Việt buổi chiều. Năm học 2022 – 2023, nhà trường đã tổ chức hai hoạt động ngoại khóa cho học sinh có thu phí: học kỹ năng xử lý và thực hành tại chỗ trường hợp gặp người lạ có ý đồ xấu và thực hành kỹ năng tự nổi trên mặt nước trong bể phao tại trường; tham gia hoạt động hoạt náo do công ty tổ chức sự kiện thực hiện, giáo viên chủ nhiệm đi theo hỗ trợ tại khu du lịch. “Học sinh được tham gia theo nhóm lớp lần lượt trong ngày và chỉ thực hành trong một vài lần thì nó chỉ mang ý nghĩa trải nghiệm mà thôi bởi với thời gian 5 – 10 phút để học kỹ năng tự nổi trên mặt nước là điều không thể” chị Phương bộc bạch.
Thiết nghĩ, kiến thức văn hóa luôn quan trọng, song kỹ năng sống lại thực tế, cần thiết, có thể áp dụng ở mọi lứa tuổi, môi trường sống. Do đó, nhà trường và mỗi bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa để trẻ thực sự có thể phát triển toàn diện hơn.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc