Multimedia Đọc Báo in

Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra an toàn

08:09, 20/06/2023

Chỉ còn khoảng một tuần nữa, hơn 21.000 thí sinh Đắk Lắk bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Kỳ thi). Cùng với việc ôn tập cho học sinh lớp 12, ngành chức năng đang rà soát công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, phương án tổ chức cụ thể tại các địa phương, điểm thi để Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Chu đáo trong công tác chuẩn bị

Hiện tại, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) đã cơ bản hoàn thiện công tác ôn tập cho học sinh và khâu chuẩn bị của một điểm thi theo quy định ngành giáo dục đưa ra. Cụ thể, nhà trường đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tại điểm thi; lập sơ đồ phòng thi, điểm thi; kiểm tra bàn, ghế tại các phòng thi bảo đảm chỗ ngồi cho 24 thí sinh/phòng; xây dựng phòng để đề thi, bài thi, phòng y tế… đầy đủ thiết bị hỗ trợ theo quy chế thi.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa (đứng giữa) kiểm tra Phòng Y tế tại Điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột)

Cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn có 26 phòng thi chính thức và 3 phòng thi dự phòng. Bên cạnh việc rà soát cơ sở vật chất, phương án tổ chức kỳ thi tại điểm thi, thống nhất cách phối hợp với lực lượng chức năng để bảo vệ an toàn, an ninh trật tự tại điểm thi, Đoàn thanh niên, Công đoàn trường chủ động vận động các tổ chức, cựu học sinh hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt, không để học sinh nào phải bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn.

Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar) đã chuẩn bị chu đáo trong việc ôn tập và phương án xử lý tình huống cụ thể trong kỳ thi tới. Thầy Phan Nhật Khánh, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hữu Trác cho hay, công tác ôn tập để học sinh nắm chắc kiến thức, tự tin làm bài là khâu chuẩn bị quan trọng được triển khai từ đầu năm học 2022 – 2023. Còn công tác tổ chức của một điểm thi đến nay đã cơ bản hoàn thiện; trong đó trường chủ động phối hợp với các cấp, ngành trong việc gìn giữ an ninh trật tự; làm việc với các hộ dân lân cận để phòng, chống tiếng ồn từ loa đài trong những ngày diễn ra Kỳ thi; thay thế hệ thống đường dây điện 3 pha bảo đảm nguồn điện phục vụ Kỳ thi; lắp đặt camera xung quanh điểm thi và mua mới bộ lưu điện để bảo đảm nguồn điện (sử dụng tối thiểu 6 giờ theo quy chế thi) phòng trường hợp mất điện; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy tại điểm thi…

Kỳ thi năm nay, cụm thi huyện Cư M’gar có hai điểm thi (Trường THPT Lê Hữu Trác, THPT Cư M’gar) với 1.808 thí sinh đăng ký dự thi (65 thí sinh tự do) gồm: 1.658 thí sinh THPT, 150 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.

Theo ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp huyện Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức kỳ thi, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp huyện; xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan để tổ chức kỳ thi tại địa phương; phương án hỗ trợ chỗ ăn, nghỉ, đi lại cho thí sinh và người nhà; phương án siết chặt công tác an ninh trật tự tại khu vực thi, ngoài điểm thi nhằm bảo đảm kỳ thi tại địa phương diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Ông Lê Văn Hảo, Phó Chánh Thanh tra tỉnh (bìa trái) kiểm tra phòng để đề thi, bài thi tại Điểm thi Trường THPT Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột.

Rà soát, chủ động các phương án

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tỉnh Đắk Lắk có hơn 21.000 thí sinh đăng ký dự thi với 33 điểm thi ở 15 huyện, thị xã, thành phố. Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh) đã tổ chức đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại các địa phương và 33 điểm thi.

Trực tiếp tham gia công tác kiểm tra ban chỉ đạo thi các địa phương và 7 điểm thi ở huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Búk, TP. Buôn Ma Thuột, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Lê Văn Hảo cho rằng, việc rà soát chặt chẽ công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi sát với thực tế sẽ giúp ban chỉ đạo thi các cấp và điểm thi xây dựng phương án tổ chức sát với điều kiện thực tế, đặc thù của từng địa phương, điểm thi. Đồng thời, dự báo các tình huống có thể xảy ra tại Kỳ thi và có phương án xử lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi nhưng vẫn bảo đảm đúng quy chế Bộ GD-ĐT đề ra. Các điểm thi cần rà soát lại điểm thi dự phòng phù hợp; lưu ý địa điểm để đồ cá nhân cho thí sinh không được mang vào phòng thi đúng quy chế thi (cách phòng thi tối thiểu 25 m) nhưng vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh khi gửi đồ, nhận đồ; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như chạy thử camera tại phòng để đề thi, bài thi ở các điểm thi; thuốc, dụng cụ cho Phòng Y tế để sử dụng trong trường hợp thí sinh, cán bộ làm công tác thi gặp sự cố về sức khỏe…

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh cho biết, qua kiểm tra, rà soát thực tế của đoàn kiểm tra cho thấy các cơ sở giáo dục đã có sự chủ động trong việc ôn tập cho học sinh và chuẩn bị cho Kỳ thi. Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện để chỉ đạo, điều hành công tác tổ chức Kỳ thi tại địa phương... Công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đã cơ bản hoàn tất; hiện tại vẫn còn một số nội dung cần rà soát, bổ sung theo tiến độ tổ chức Kỳ thi của cả nước; đó là tổ chức tập huấn cho các trưởng điểm thi, cán bộ coi thi… theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.