Những giáo viên tâm huyết với bộ môn Tiếng Anh
Từ chỗ "sợ" học tiếng Anh, nhiều học sinh ở huyện Krông Năng đã trở nên hứng thú với việc học và đạt kết quả đáng ghi nhận ở bộ môn này, đó là nhờ những giáo viên tâm huyết đã chịu khó nghiên cứu, sáng tạo cách thức truyền dạy phù hợp, hiệu quả.
Tăng tính chủ động cho học sinh
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiếng Anh tại Trường Đại học Tây Nguyên, năm 2010, cô Đinh Thị Thu Hoài về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (thị trấn Krông Năng), giảng dạy bộ môn Tiếng Anh cho đến nay. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, bằng tâm huyết và sự sáng tạo của mình, cô Hoài đã truyền cảm hứng học tiếng Anh cho học sinh và giúp các em gặt hái nhiều thành tích trong các kỳ thi.
Cô Đinh Thị Thu Hoài trò chuyện, chia sẻ về tiếng Anh với học sinh. Ảnh: M. Sao |
Để tạo sự đam mê học tập ở các em học sinh, cô Hoài đã có nhiều đổi mới phương pháp dạy và học. Trong các tiết học, cô chuyển từ cách thức giáo viên đọc, giảng bài, học sinh chép vào vở sang cách thức giáo viên hướng dẫn, học sinh thực hành. Đơn cử như đưa ra những chủ đề để học sinh tự tìm hiểu, khám phá ngôn ngữ; hoặc học sinh có thể tìm hiểu từ vựng tại nhà, thảo luận với nhóm, tự sáng tạo ra tác phẩm như tranh, ảnh sau đó trình bày, đánh giá chéo giữa các nhóm… Nhờ đó, nhiều học sinh ban đầu ngại nói đã trở nên mạnh dạn, tự tin, hăng hái phát biểu và yêu thích giờ học tiếng Anh.
Em Nông Thị Trà My (lớp 5A, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi) là một trong những thí sinh của đội Krông Năng 2 đoạt giải Nhất chương trình “Giao lưu hùng biện tiếng Anh cấp tiểu học tỉnh Đắk Lắk năm học 2022 – 2023” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bày tỏ: “Trong các giờ học tiếng Anh, ngoài kiến thức trong sách, cô Hoài còn tạo điều kiện cho chúng em được thỏa sức sáng tạo, từ đó cải thiện được khả năng nghe, nói và làm việc theo nhóm”.
Cô Hoài còn phụ trách nội dung của Câu lạc bộ năng khiếu tiếng Anh (CLB) của trường. CLB đã thành lập được 5 năm, duy trì sinh hoạt hằng tháng để tạo môi trường giao tiếp thực tế và sân chơi bổ ích cho học sinh ngoài giờ học. Với sự nỗ lực và tâm huyết của mình, nhiều năm liền cô Hoài được nhà trường và huyện khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác dạy học.
Sáng tạo thiết bị dạy học số
15 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Phan Thanh Chung, giáo viên môn Tiếng Anh cấp THCS tại Trường Tiểu học, THCS Quang Trung (thị trấn Krông Năng) đã có nhiều sáng kiến áp dụng hiệu quả trong giảng dạy, phù hợp với đặc thù trường có đông học sinh dân tộc thiểu số. Thầy không tạo áp lực cho học sinh mà luôn cố gắng xây dựng môi trường học tập thoải mái, vui vẻ, giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh. Thầy Chung tâm sự: "Trải qua nhiều năm đi dạy, tôi nhận ra phương pháp giảng dạy truyền thống đối với môn Tiếng Anh không hiệu quả, cần có sự thay đổi cho phù hợp”. Chính vì vậy, thầy đã có nhiều đề tài, sáng kiến đổi mới phương pháp giảng dạy.
Thầy Phan Thanh Chung. Ảnh: NVCC |
Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, mỗi bài giảng được thầy thiết kế có cả hình ảnh, âm thanh, tình huống thực tế…, giúp học sinh hứng thú và tiết kiệm thời gian ghi chép trên lớp, tăng thời gian luyện tập, cùng nhau thảo luận xây dựng bài. Trong thời gian dịch COVID-19, khi học sinh phải học trực tuyến, thầy đã xây dựng nhiều video dạy tiếng Anh, giúp học trò tiếp cận môn học dễ dàng hơn. Mỗi bài giảng được thiết kế rõ ràng theo chương trình giáo dục hiện hành; bên cạnh đó đều có phần mở rộng để học sinh dễ hình dung. Vì vậy, học sinh không đến lớp nhưng thông qua các bài giảng vẫn có thể hiểu và tiếp thu bài học hiệu quả.
Sau này, dù không còn học trực tuyến, nhưng nhiều học sinh vẫn tham khảo, tìm hiểu trước các bài giảng này để nâng cao chất lượng học trên lớp. Nhận thấy hiệu quả của phương pháp học này, thầy đã phát triển thêm nhiều video bài giảng, đăng tải lên nền tảng Youtube để học sinh khắp mọi nơi đều có thể học, tham khảo khi cần. Tiếp nối những thành công đó, thầy Chung đã nghiên cứu và sáng tạo ra bài giảng tiếng Anh mang tên “Bộ thẻ từ tiếng Anh lớp 6 phần 1”, bài giảng này đã đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “Thiết kế thiết bị dạy học số lần thứ I” năm 2022, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. “Nhìn thấy các em say mê học tập, nhất là yêu thích tiếng Anh, chính là động lực để tôi quên đi mệt mỏi và cố gắng hơn mỗi ngày”, thầy Chung trải lòng.
Cô Đinh Thị Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS Quang Trung nhận xét, thầy Chung không chỉ là người trăn trở với những ý tưởng mà còn biết cách khơi dậy niềm đam mê tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Trong chuyên môn, những giờ dạy tiếng Anh của thầy luôn cuốn hút học sinh bằng việc đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng tương tác giữa thầy và trò, nhờ vậy học sinh tiến bộ lên từng ngày và gắn bó hơn với trường lớp…
Mai Sao - Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc