Multimedia Đọc Báo in

Liệu có “phổ cập đại học”?

08:42, 08/10/2023

Theo số liệu do Bộ GD-ĐT công bố ngày 28/8/2023, cả nước có hơn một triệu thí sinh tốt nghiệp THPT, khoảng 660.250 em đăng ký xét tuyển đại học, trong đó 610.000 đã trúng tuyển đợt 1. Tỷ lệ đỗ đại học trên tổng số thí sinh xét tuyển là 92,7%.

Con số này khiến nhiều người ngạc nhiên, vội vàng đánh giá tiêu chuẩn đại học đã bị hạ thấp nên gần như ai thi cũng đỗ, cứ thế này sẽ phổ cập đại học trong nay mai! Nhưng thực tế không đáng lo như vậy bởi cổng trường đại học tuy mở rộng đầu vào nhưng lại thắt chặt đầu ra, không phải cứ đỗ đại học là mặc định sau 4 năm sẽ tốt nghiệp. Kể cả những con số đẹp như mơ trong các báo cáo: 100% hay 50% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn cũng chưa chắc đã cao như nhiều người tưởng tượng.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa:  Nguyên Thảo
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa: Nguyên Thảo)

Nơi tôi đang công tác có một ngành đặc biệt: 2 năm liền tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn là 0%, năm nay tỷ lệ này tăng đột biến là 50%. Con số nghe qua thấy giật mình, cứ ngỡ chất lượng giáo dục được cải thiện nhưng hóa ra sĩ số lớp đến năm cuối chỉ còn 2 sinh viên, trong đó có 1 sinh viên tốt nghiệp đúng hạn nên đương nhiên tỷ lệ là 50%! Trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng những sinh viên học đến tận 6, 7, 8 năm mới tốt nghiệp (khóa học 4 năm) không phải là “hàng quý hiếm”. Tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn của sinh viên ở mức dưới 50% chiếm một nửa số khoa trong cả trường, trong đó có khoa con số này chỉ dao động trong mức 20 - 30%.

Mỗi năm học, danh sách sinh viên bị cảnh báo kết quả học tập và buộc thôi học của các trường đại học thường khoảng vài trăm, thậm chí hơn 1.000. Tiêu biểu như kỳ 1 năm học 2021 - 2022, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh có hơn 200 sinh viên bị buộc thôi học, hơn 800 sinh viên bị cảnh báo kết quả học tập; Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh trong năm học 2021 - 2022, tỷ lệ sinh viên bị cảnh báo và buộc thôi học chiếm khoảng 4% (1.200 sinh viên) so với quy mô đào tạo (hơn 30.000 sinh viên). Ngay tại tỉnh Đắk Lắk, năm 2015, một trường đại học cũng đã “gây sốc” khi công khai con số 1.041 sinh viên bị buộc thôi học và cảnh báo kết quả học tập (414 sinh viên bị buộc thôi học và 627 sinh viên bị cảnh báo).

Hiện nay, để cảnh báo kết quả học tập, buộc sinh viên thôi học, các trường đại học căn cứ theo Điều 11 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT. Theo đó, đối với chương trình đào tạo theo tín chỉ, cuối mỗi học kỳ chính, sinh viên được cảnh báo học tập dựa trên các điều kiện: Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng ký học trong học kỳ, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24; điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo; điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba, dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo.

Nếu bị cảnh báo học tập nhiều lần, sinh viên sẽ bị buộc thôi học trong các trường hợp: Số lần cảnh báo học tập hoặc mức cảnh báo học tập vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định cụ thể việc lựa chọn áp dụng một số điều kiện cảnh báo học tập, giới hạn số lần hoặc mức cảnh báo học tập nhưng không vượt quá 2 lần cảnh báo liên tiếp. Thời gian học tập vượt quá giới hạn được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo.

Chính vì những quy định chặt chẽ này nên vào được đại học rồi chưa chắc sẽ tốt nghiệp được nếu sinh viên không nỗ lực học tập, rèn luyện. Dù con số hàng nghìn sinh viên bị cảnh báo kết quả học tập, buộc thôi học mỗi năm không thể khẳng định hoàn toàn về chất lượng đào tạo nhưng cho thấy sự nghiêm túc, trách nhiệm của các trường trong đánh giá sản phẩm đào tạo của mình. Câu chuyện… phổ cập đại học có lẽ còn lâu mới trở thành hiện thực.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.