Multimedia Đọc Báo in

Sân chơi hấp dẫn cho học sinh dân tộc thiểu số

08:26, 19/12/2023

Với học sinh khối trường phổ thông dân tộc nội trú – bán trú của tỉnh, “Ngày hội giao lưu văn hóa, văn nghệ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú” (gọi tắt là Ngày hội) do Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) vừa tổ chức thực sự là một sân chơi bổ ích, ý nghĩa.

Tự tin thể hiện bản sắc

Diễn ra tại Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (TP. Buôn Ma Thuột), Ngày hội thu hút sự tham gia của hơn 500 học sinh đến từ 16 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và 4 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) trên địa bàn toàn tỉnh.

Tự tin khoác lên mình trang phục truyền thống, các em đã mang đến 64 tiết mục nghệ thuật ở nhiều thể loại như: hát, múa, trình diễn nhạc cụ dân tộc… với nội dung thể hiện tình cảm trong sáng, lành mạnh của tuổi học trò, lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Bác Hồ kính yêu, tôn trọng và đảm bảo quyền văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Qua đó tái hiện sinh động bức tranh đa sắc màu về đời sống, sinh hoạt, văn hóa của các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn, như Êđê, J'rai, Tày, Nùng, Mông, Thái…

Tiết mục nghệ thuật của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Ea Kar.

Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng có màn thể hiện xuất sắc với sự đa dạng về thể loại các tiết mục cũng như phong cách biểu diễn, nổi bật như tiết mục múa “Đi tìm nữ thần mặt trời” và độc tấu sáo đều giành giải A.

Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu (huyện M'Drắk) mang đến 4 tiết mục, thể hiện văn hóa của người Mông, trong đó tiết mục múa Sênh tiền và hát dân ca “Mi Tub ơi” xuất sắc giành giải B và giải A.

Em Vàng Thị Hoa Cúc (dân tộc Mông, lớp 9C, Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu) chia sẻ, lần đầu tiên tham gia một chương trình lớn như vậy, em và các bạn cảm thấy khá hồi hộp. Tuy nhiên, vượt qua sự lo lắng ban đầu, mọi người đã nỗ lực hoàn thành các tiết mục. Thông qua trang phục, điệu múa, lời hát là cơ hội em giới thiệu cho các dân tộc khác biết về nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 

Kết thúc Ngày hội, Ban tổ chức đã trao 9 giải A, 12 giải B, 19 giải C cho các tiết mục xuất sắc. Đồng thời trao giải toàn đoàn cho các đơn vị, trong đó giải Nhất thuộc về Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng; giải Nhì: Trường PTDTNT THCS huyện Cư M’gar, Trường PTDTNT THCS huyện Krông Ana; giải Ba: Trường PTDTBT THCS Võ Nguyên Giáp, Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu (huyện M’Drắk); Trường PTDTNT THCS huyện Ea H'leo.

Nhiều học sinh còn nhỏ tuổi nhưng đã tự tin thể hiện tài năng qua các bài hát với chất giọng trong trẻo, hay biểu diễn thành thạo nhạc cụ dân tộc.

Như em Y Khuên Byă (dân tộc Êđê, học sinh lớp 6, Trường PTDTNT THCS thị xã Buôn Hồ), dù chỉ mới được chỉ dạy và tập luyện chiêng tre (ching kram) vài tuần nay, nhưng em đã nỗ lực hoàn thành tốt bài chiêng của mình.

Y Khuên tâm sự, cùng các bạn hòa tấu ching kram trên sân khấu khiến em rất đỗi tự hào về văn hóa dân tộc mình.

Sân chơi văn hóa bổ ích

Trong thời gian diễn ra Ngày hội, Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng tổ chức trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số ngay tại sân trường.

Các trò chơi như: ném còn, nhảy sạp, đi cà kheo, bịt mặt đánh chiêng, đi cầu thăng bằng… thu hút đông đảo học sinh hào hứng tham gia. Đây cũng là dịp để học sinh các trường giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết.

Trên sân trường rộng, trò chơi ném còn nổi bật với cây nêu cao đặt giữa sân, trên ngọn có vòng tròn, dán giấy màu sặc sỡ để người chơi tung quả còn vào đó.

Mỗi lần quả còn được ném trúng vào vòng tròn, những tràng vỗ tay reo hò tán thưởng vang lên, khích lệ nhiều em tự tin tham gia.

Còn ở môn nhảy sạp, trong tiếng nhạc và tiếng gõ sạp rộn ràng, học sinh các trường trong trang phục truyền thống nắm tay nhau nhảy đều nhịp bước.

Nhiều em lúc đầu còn e ngại, chỉ dám đứng xem, nhưng khi được các bạn khác bày cho đã tự tin hòa vào dòng người cùng tham gia, tạo nên một bức tranh rực rỡ, vui tươi, thắm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Học sinh các trường vui nhảy sạp tại Ngày hội.

Thầy Y Sơ Wel Kbuôr, Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường PTDTNT THCS huyện Krông Năng chia sẻ, Ngày hội thực sự là một sân chơi văn hóa bổ ích, thiết thực cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giúp các em không chỉ thể hiện tài năng, năng khiếu của mình, mà còn có cơ hội học hỏi, giao lưu văn hóa, qua đó tăng cường tình đoàn kết, yêu thương gắn bó.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lưu Tiến Quang, “Ngày hội giao lưu văn hóa, văn nghệ các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú” cấp tỉnh năm 2023 lần đầu tiên được Sở GD- ĐT tổ chức là một hoạt động có ý nghĩa to lớn, thiết thực, nhằm góp phần giáo dục đạo đức lối sống, ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua Ngày hội, hy vọng rằng các trường PTDTNT, PTDTBT sẽ tích cực duy trì, phát triển phong trào văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao trong nhà trường, từ đó giúp các em học sinh đoàn kết, tích cực trong học tập và cuộc sống, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.