Multimedia Đọc Báo in

Trải nghiệm thú vị với giáo dục phổ thông ở Australia

08:25, 20/12/2023

Trong thời gian du học tại đất nước Australia xinh đẹp, tôi đã đưa cả gia đình sang cùng. Trong thời gian đó, cô con gái nhỏ của tôi đã đi học phổ thông tại đây, và tôi đã có góc nhìn thú vị về giáo dục phổ thông tại đất nước này từ chính trải nghiệm của con gái mình.

Có thể nói, điều ấn tượng nhất là trẻ em sống tại Australia rất thích đến trường học. Ngày đầu tiên cô con gái 5 tuổi của tôi đến trường, ban đầu con khóc và không chịu vào lớp. Thế rồi cô giáo bế vào lòng và nói: “Anh chị về đi, không sao đâu”. Buổi chiều chúng tôi đến đón con, bé bảo: “Sao ba đón con sớm thế?” cho thấy sự yêu thích của con từ ngay ngày đầu tiên ở trường. Ở trường, các con được cô giáo yêu chiều và được chơi các trò chơi yêu thích, phù hợp. Các bé có thể đu dây, chạy nhảy trên cát một cách hồn nhiên.

Các trường bậc tiểu học ở Australia mở cửa vào 9 giờ sáng và cho đón con trẻ vào khoảng 3 giờ chiều. Học sinh được bố mẹ chuẩn bị cơm trưa mang đi và ăn ở trường. Rất ngạc nhiên là cô giáo quan tâm đến cả bữa ăn mà học sinh mang đến trường. Một hôm cô giáo viết thư về cho ba mẹ học sinh rằng: “Tôi thấy con của anh chị chỉ ăn mỗi loại thức ăn trong nhiều ngày, nếu có khó khăn về kinh tế thì cho tôi biết nhé”.

Một lớp học phổ thông tại Australia.

Nội dung học thường rất nhẹ nhàng, song việc thể hiện chính kiến của cá nhân rất quan trọng. Ở lớp 2 mà học sinh có thể trình bày ý kiến của bản thân, chẳng hạn các cháu có thể thảo luận về đề tài: “Có ý kiến cho rằng không nên cho học sinh đi học vào thứ bảy. Ý kiến khác thì có. Quan điểm của em thế nào?”. Là học sinh cấp một nhưng các cháu cũng có thể bàn luận các chuyện thời sự trên thế giới, điều đó khiến không ít người cảm thấy ngạc nhiên, thích thú. Hầu hết học sinh không phải làm bài tập ở nhà. Buổi tối các cháu thường đọc truyện. Tại trường, trẻ được học và làm bài tập nhóm nên rất thích thú. Bên ngoài mỗi lớp học, thường có những câu căn dặn học sinh và cả câu: “Tự làm và tự chịu trách nhiệm đối với việc mình làm” trên cửa lớp 4.

Con tôi và con của các du học sinh hay người nhập cư đều được trau dồi tiếng Anh. Các cháu học chung một chương trình, trong đó có nhiều cấp độ (level) khác nhau. Một cô giáo sẽ dạy cho trẻ nhiều cấp độ trong cùng một lớp, khi đạt đến khoảng cấp độ 30 thì sẽ được chuyển đến các lớp học theo cùng độ tuổi. Các cháu cũng được đi trải nghiệm thực tế xa gia đình, giúp các cháu dạn dĩ hơn. Vì vậy, dù trước khi đến Australia các cháu chưa biết nói tiếng Anh nhưng chỉ khoảng sáu tuần là có thể giao tiếp và chơi với nhau được; dù rằng ngữ pháp chưa chuẩn nhưng sự diễn đạt rất trôi chảy, phần ngữ pháp sẽ được điều chỉnh dần theo thời gian.

Trong môi trường học đường, các cháu được giáo dục rất cẩn thận về việc tiết kiệm, chẳng hạn khi ra khỏi phòng là tắt điện, khóa vòi nước cẩn thận. Học ở môi trường đa văn hóa với nhiều người từ các quốc gia khác nhau nên các cháu đều được giáo dục phải tôn trọng tất cả các nền văn hóa khác nhau.

Trải nghiệm giáo dục phổ thông ở Australia suốt thời gian học tập của bố, đến khi về nước con gái tôi có khả năng tiếng Anh vượt trội, cháu có thể dịch thơ, đạt nhiều giải thưởng về tiếng Anh.

Lê Văn Vượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.