Multimedia Đọc Báo in

Nên chăng cần thay đổi cách làm “kế hoạch nhỏ”?

11:27, 07/01/2024

Sau đợt nộp giấy vụn ở trường với định mức 3 kg giấy/học sinh, con tôi về dặn bố “Tết này bố uống bia nhiều nhiều nhé, để ra Tết con có vỏ lon bia đi nộp kế hoạch nhỏ” (?!).

“Đơn đặt hàng” này của con thật khó giải quyết! Phong trào “kế hoạch nhỏ” lẽ nào lại trở thành một hình thức khuyến khích phụ huynh uống nhiều bia, nước ngọt để con có nhiều vỏ lon đi nộp?

Cô và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh đang thu gom giấy vụn từ phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Ảnh minh họa: Sao Mai
Cô và trò trường Tiểu học Phan Chu Trinh đang thu gom giấy vụn từ phong trào “Kế hoạch nhỏ”. (Ảnh minh họa: Sao Mai)

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” xuất phát từ việc tham gia lao động của thiếu nhi hai tỉnh Sơn Tây và Hải Phòng vào năm 1958 để tiết kiệm tiền đóng góp xây dựng nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Hải Phòng). Phong trào dựa trên tinh thần lao động “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, sau đó lan rộng ra khắp nơi ở miền Bắc và khắp toàn quốc sau ngày đất nước thống nhất.

Trong suốt nhiều thập niên, hoạt động chủ yếu là thu gom phế liệu và giấy vụn - cũng hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Đến nay phong trào “Kế hoạch nhỏ” tròn 65 tuổi và có lẽ đã đến lúc phải thay đổi cách làm sao cho khả thi, phù hợp với tình hình hiện nay. Hình thức nộp giấy vụn, bìa các tông, vỏ lon bia/nước ngọt về cơ bản không còn phù hợp với đại đa số gia đình học sinh.

Bởi nhiều lẽ:

Trước đây rất nhiều gia đình đặt mua báo giấy để đọc nhưng hiện nay với sự phát triển của Internet và điện thoại thông minh, đại đa số đã chuyển sang đọc báo điện tử, báo giấy trở nên “quý hiếm”. Sách giáo khoa cũ thì ngay buổi học cuối năm, nhiều trường cũng đã vận động học sinh gửi lại cho trường để tặng các bạn khó khăn. Bởi vậy, nếu muốn con nộp đủ định mức giấy vụn được giao, phụ huynh chỉ còn cách đi xin giấy vụn từ cơ quan hoặc mua báo cũ ở chợ. Điều đáng nói là số tiền phụ huynh bỏ ra để mua báo cũ chắc chắn sẽ nhiều hơn số tiền nhà trường thu về sau khi bán giấy vụn. Một vòng quay khép kín báo cũ từ chợ/tiệm thu mua phế liệu - phụ huynh mua – nhà trường lại bán cho tiệm thu mua phế liệu/báo cũ!

Bên cạnh đó, khi nhà trường kêu gọi học sinh thu gom lon bia/nước ngọt để làm kế hoạch nhỏ thì lẽ dĩ nhiên các em không thể chỉ nộp vài lon; để hoàn thành nhiệm vụ mỗi em cũng phải nộp khoảng vài chục vỏ lon. Do đó, để có vài chục vỏ lon để nộp thì hoặc các em phải đi xin hàng xóm mà chưa chắc đã xin được (nếu nhà hàng xóm cũng có con phải nộp) hoặc về dặn bố uống nhiều bia như con tôi! Tôi nhớ có một năm mẹ con tôi phải đi xin tới hai nhà mới tạm đủ vài chục vỏ lon để nộp cho nhà trường. Vậy mà sau buổi học về con trầm trồ: Bố bạn A, bạn B nộp tới mấy thùng vỏ lon. Sao bố mình uống ít bia thế không biết! Nghe con cảm thán mà tôi cũng không biết nói sao!

Phong trào kế hoạch nhỏ với những hình thức chủ yếu như giao chỉ tiêu cho học sinh nộp giấy vụn/phế liệu ra đời với mục đích tốt đẹp, tạo cơ hội để học sinh tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tiết kiệm gây quỹ giúp các bạn khó khăn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay thiết nghĩ cần thay đổi hình thức đóng góp để vẫn đảm bảo mục đích tốt nhưng cách làm phù hợp. Tại sao không đa dạng hóa hình thức đóng góp thay vì yêu cầu tất cả nộp giấy vụn hay vỏ lon bia? Có thể khuyến khích học sinh nào có giấy vụn, vỏ lon thì góp giấy, vỏ lon; còn ai không có thì góp vở mới, dụng cụ học tập mới, cặp sách mới… tặng các bạn nghèo! Dù việc đa dạng hóa các hiện vật ủng hộ sẽ khiến nhà trường vất vả hơn trong việc phân loại, đóng gói, trao tặng thay vì chỉ việc gọi người thu mua phế liệu vào, cân ký, lấy tiền, ủng hộ bằng tiền mặt nhưng sẽ phù hợp và mang ý nghĩa giáo dục hơn rất nhiều so với cách làm hiện tại.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.