Multimedia Đọc Báo in

Vài suy nghĩ về đổi mới thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

08:38, 13/03/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo đó, thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn và Toán. Ngoài ra sẽ có hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Như vậy, học sinh sẽ có 36 cách lựa chọn các môn thi, thay vì 4 tổ hợp như trước đây.

Mục đích của phương án thi này là để đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu và chuẩn cần đạt theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kết quả thi là một trong các cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của các đơn vị giáo dục phổ thông và hướng tới việc cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan. Lý do cho sự thay đổi phương án thi là do Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm khác biệt so với chương trình giáo dục phổ thông trước; khác biệt liên quan mục tiêu, quan điểm, phương pháp giáo dục, cơ cấu hệ thống cũng như các môn học, đặc biệt là ở bậc THPT. Theo đó, giáo dục cơ bản kết thúc ở bậc THCS và bậc THPT là giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Học sinh bậc THPT không bắt buộc phải học tất cả các môn học như chương trình cũ mà chỉ phải học bắt buộc bốn môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Ngoài bốn môn học bắt buộc, học sinh được lựa chọn học thêm một số môn học trong các môn còn lại. Như vậy, do có những thay đổi trong chương trình học nên cần có sự thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại điểm thi Trường THPT Hồng Đức, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thanh Hường

Ở khía cạnh dư luận xã hội, phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mới được công bố đã làm hài lòng số đông học sinh và phụ huynh vì dường như mọi thứ đỡ áp lực hơn, giảm chi phí xã hội hơn trong việc học và thi. Cũng có thể có người không hài lòng với phương án thi này vì cho rằng sẽ khó phân loại được trình độ học sinh và do vậy học sinh sẽ phải cạnh tranh mạnh trong kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường đại học ở “top” đầu.

 

Việc thi tốt nghiệp theo hướng “nhàn hơn” có thể dẫn tới việc không chú trọng tới năng lực lẫn thái độ tích cực trong học tập của học sinh.

Tuy vậy, sự thay đổi phương án thi đang đặt ra một số vấn đề cho các cơ sở giáo dục. Vì yêu cầu học sinh tốt nghiệp THPT chú trọng phẩm chất, năng lực chứ không phải là kiến thức, kỹ năng như trước nên trong hệ thống giáo dục cần có sự thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, về quan điểm dạy và học cũng như trong công tác tuyển sinh hệ đại học. Hướng nghiệp giúp người học có khả năng đánh giá bản thân để chọn ngành, nghề phù hợp với chính mình.

Như vậy, các hoạt động dạy và học ở trường học cần ngày càng được cá nhân hóa, tức là cần chú trọng dạy và học các môn sao cho phù hợp với từng học sinh chứ không phải là coi trọng môn này hay xem nhẹ môn kia. Về phía các trường đại học, có thể sẽ cần có những thay đổi trong công tác tuyển sinh như: tăng cường tổ chức thi/sử dụng cách đánh giá năng lực.

Đồng thời, các trường đại học sẽ xây dựng các tổ hợp mới có các môn như Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật hoặc tuyển sinh theo học bạ cần đánh giá toàn diện, ít nhất là kết quả của 4 hoặc 5 học kỳ trong chương trình THPT.

Thậm chí, phương án tăng chỉ tiêu cho các tổ hợp môn có Ngoại ngữ hay Lịch sử cũng sẽ được cân nhắc. Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng sẽ dẫn tới những thay đổi rất cụ thể trong đào tạo giáo viên theo hướng đổi mới giảng dạy, kiểm tra, đánh giá các môn học.

Điều quan trọng là, nếu đã đồng thuận quyết định giảm áp lực học thuật ở bậc THPT thì đòi hỏi các trường THPT cần có những hoạt động gia tăng giáo dục kỹ năng, tăng trải nghiệm, tăng hoạt động học tập có tính nghiên cứu, gắn với thực tế… Nhưng những đòi hỏi này quả thực khó thực hiện vì cần những điều kiện đảm bảo một cách dài lâu và liên tục.

Trong khi đó, việc luyện đề thi để có được kết quả thi như ý thì dường như dễ được thực hiện hơn. Và nếu việc luyện đề thi được chú trọng nhiều hơn việc gia tăng các hoạt động trải nghiệm, rèn kỹ năng thì mục đích của việc thay đổi phương án thi có thể không đạt được như mong đợi.

Bên cạnh đó, cũng cần cẩn trọng với xu hướng “học kiểu làng nhàng khi thi cử nhẹ nhàng”. Sẽ có những nhận định cho rằng, với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như vậy, học sinh học kiểu “tà tà” vẫn có thể có bằng tốt nghiệp THPT và vẫn vào được các trường đại học “trung bình”. Trên thực tế, lối học “làng nhàng” gây ra rất nhiều bất lợi cho việc đảm bảo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xã hội.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.