Multimedia Đọc Báo in

Cần xem lại cách dùng từ “xâm nhập mặn”

08:47, 11/04/2024

Ông Đỗ Xuân Cẩm, nguyên giảng viên Đại học Nông lâm Huế tỏ ra bức xúc khi xem thời sự, thấy biên tập viên, phóng viên các báo đài đưa tin về nạn nhiễm mặn ao, hồ, đồng ruộng thường xuyên sử dụng cụm từ “xâm nhập mặn”.

Theo ông Cẩm, trong từ điển tiếng Việt không có từ này, nên việc lạm dụng từ “xâm nhập mặn” đang khiến cộng đồng hiểu sai, dùng sai từ tiếng Việt.

Xét về ngữ pháp, cấu trúc từ ngữ tiếng Việt đơn giản là “chủ ngữ + động/tính từ + vị ngữ”. Danh từ đứng đầu câu sẽ là chủ ngữ, danh từ ở sau động/tính từ sẽ là tân ngữ. Logic suy luận ngữ pháp tiếng Việt luôn là chủ ngữ tác động tân ngữ. Ví dụ, chúng ta nói “tôi ăn cơm” chứ không nói “cơm ăn tôi”. Như thế, “nước mặn xâm nhập ao hồ” chứ không thể là “ao hồ xâm nhập nước mặn”.

Một số nhà ngôn ngữ suy đoán, có thể từ “xâm nhập mặn” được dịch từ văn bản tiếng Anh, hay tiếng Trung, với cấu trúc động/tính từ đứng trước danh từ. Đây là sự khác biệt giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ này. Người Trung Quốc nói “hảo sự”, còn người Việt sẽ nói “việc tốt”; người Trung Quốc sẽ nói “xâm nhập mặn”, còn người Việt sẽ nói “mặn xâm nhập”. Một số người dịch thuật nhầm lẫn cách sử dụng từ này, nên trong đời sống hay xuất hiện những “từ thừa” như “đường quốc lộ”, “khách sạn Rose Hotel”…

Như vậy, thay vì nói “xâm nhập mặn”, vì sao chúng ta không dùng từ đúng là “nước mặn xâm nhập đồng ruộng/ao hồ” để tiếng Việt trong sáng rõ ràng hơn?

Xét về nghĩa từ, “xâm nhập” là từ Hán Việt, diễn tả hướng nghĩa tác động trong câu, từ chủ thể đứng trước đến khách thể đứng sau. Ví dụ nói “kẻ địch xâm nhập phòng tuyến của ta”, không nói “phòng tuyến của ta xâm nhập kẻ địch”.

Với tiếng Việt, từ “xâm nhập” có thể được thay bằng từ thuần Việt là “nhiễm”. “Nước nhiễm mặn”, “đất nhiễm phèn”, đều chỉ vào hình thái vấn đề, là nước ngọt bị vị muối lây nhiễm, đất trồng bị chất phèn lây nhiễm. Dùng từ “nhiễm”, vừa đơn giản dễ hiểu, vừa chính xác, hợp yêu cầu sử dụng trong sáng tiếng Việt, hạn chế dùng từ Hán Việt hay từ tiếng Trung Quốc.

Đặc biệt, khi dùng từ “nhiễm”, nội dung sẽ theo hướng “tác động ngược” từ khách thể qua chủ thể. Đây là biến tấu của tiếng Việt, làm sinh động ngôn từ. Khi chúng ta nói “không khí nhiễm độc”, ai cũng hiểu theo nghĩa chất độc đang “xâm nhập” vào không khí; “dòng nước nhiễm mặn” cũng sẽ được hiểu là “(vị) mặn đang hòa lẫn (xâm nhập) vào dòng nước. Cho nên, nếu muốn dùng từ ấn tượng, sử dụng “nhiễm mặn” sẽ chính xác hơn là “xâm nhập mặn”!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.