Multimedia Đọc Báo in

Nhiều cơ hội cho thí sinh vào đại học

10:14, 16/07/2024

Các trường đại học tiếp tục đưa ra nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nhằm tăng cơ hội vào đại học cho các thí sinh.

Nhiều phương thức xét tuyển

Ngày 26/4/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có văn bản số 1957/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.

Theo đó, có 20 phương thức xét tuyển là: xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học cấp THPT (học bạ), xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT, xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển, kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu, kết hợp chứng chỉ quốc tế với tiêu chí khác…

Tiết học chính khóa của sinh viên tại Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk.

Tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 2 năm 2024 do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào đầu tháng 6 vừa qua, em Đường Hải Anh, học sinh lớp 12 Văn Sử, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du cho biết, tham gia kỳ thi là cách thức phổ biến để tăng khả năng đỗ đại học của em và các bạn. Mục đích tham gia kỳ thi đối với em là sử dụng kết quả thi để theo đuổi ngành Luật ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng đây là thêm một cơ hội bên cạnh nhiều cơ hội ở các phương thức khác nên áp lực thi cử cũng nhẹ nhàng hơn.

 

Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7/2024, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần. Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8/2024 nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến. Chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8/2024, tất cả các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Chị Nguyễn Thị Xuân có con học tại Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng, nhiều phương thức xét tuyển đại học khác nhau giúp các cháu có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện kinh tế gia đình. Cùng con tìm hiểu các trường, ngành, chương trình học, phương thức tuyển sinh là cách thức đồng hành phù hợp của nhiều phụ huynh để con vững vàng, tự tin trước giai đoạn quan trọng này.

Năm 2024, Trường Đại học Luật Hà Nội phân bổ 200 chỉ tiêu tuyển sinh ngành Luật, trình độ đại học chính quy tại Phân hiệu tỉnh Đắk Lắk với phạm vi tuyển sinh trên cả nước: tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; kết quả học tập bậc THPT đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024; kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Ngày 3/6/2024, trường đã hoàn thành việc xét tuyển đối với phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT với kết quả điểm chuẩn tại Phân hiệu: tổ hợp A00 là 23,14 điểm; A01 là 22,51 điểm; C00 là 22,68 điểm; D01, D02, D03, D04, D05, D06 là 22,82 điểm.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Luật Hà Nội tại Đắk Lắk thì xét điểm học bạ giúp thí sinh không phải chịu nhiều áp lực thi cử bởi đây là kết quả dựa trên cả quá trình học tập; hạn chế trường hợp thí sinh "học tài thi phận", lực học tốt nhưng kết quả thi lại không như ý do vấp phải những yếu tố khách quan như sức khỏe, tâm lý…

Đa dạng phương thức, trong đó có phương thức tuyển sinh bằng kết quả học tập đã giúp nhà trường chọn được sinh viên có học lực tốt và chủ động trong công tác tuyển sinh đầu năm học.

Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đầu tháng 6/2024.

Quy định cũ nhưng vẫn “mới”

Năm 2024, Trường Đại học Tây Nguyên tuyển sinh 37 chuyên ngành với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 2.595 chỉ tiêu, tăng 304 chỉ tiêu so với năm 2023. PGS. TS. Nguyễn Phương Đại Nguyên, Trưởng Phòng Đào tạo (Trường Đại học Tây Nguyên) lưu ý, về cơ bản công tác tuyển sinh không có nhiều thay đổi so với năm 2023 và những năm trước đây. Nhưng thí sinh cần lưu ý: để có dữ liệu và hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải đăng ký tài khoản trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ: https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn/ (bao gồm cả thí sinh tự do) để đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, ngày 17/7, Bộ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Từ ngày 18 - 30/7, các thí sinh chính thức đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh đại học trên hệ thống; thời gian đăng ký là 13 ngày, giảm 7 ngày so với năm ngoái (năm 2023 thời gian đăng ký từ ngày 5/7 đến 17 giờ ngày 25/7).

Một quy định cũ nhưng vẫn “mới” đó là để thật sự trúng tuyển đại học, tất cả thí sinh phải đăng ký nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký. Đồng thời, cập nhật tất cả dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như: điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD-ĐT ban hành.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc