Multimedia Đọc Báo in

Có nên hỏi con về điểm số?

09:00, 08/09/2024

Tôi đã rất nhiều lần được nghe những chia sẻ đầy nước mắt của nhiều em học sinh về chuyện bố mẹ cứ chăm chăm hỏi: Thi được mấy điểm? Đứng thứ mấy của lớp?

Các thầy cô giáo cũng tư vấn phụ huynh rằng: Đừng hỏi con về điểm số mà hãy quan tâm xem con đi học có vui không, có hạnh phúc không? Nhưng, không hỏi con về điểm số, liệu có chắc con sẽ vui?

Với vai trò phụ huynh, tôi thường cố gắng hạn chế đến mức tối đa hỏi “con thi được mấy điểm?” mà chỉ hỏi “con thi có mệt không? Bài dễ hay khó? Câu hỏi thi có nằm trong đề cương mà các thầy cô đã cho không?”.

Quá áp lực về điểm số có thể gây tâm lý chán nản trong việc học, thậm chí là trầm cảm ở học sinh. Ảnh minh họa: Internet
Quá áp lực về điểm số có thể gây tâm lý chán nản trong việc học, thậm chí là trầm cảm ở học sinh. (Ảnh minh họa: Internet)

Cuối năm học, trong khi mọi người rần rần khoe thành tích khắp… cõi mạng, thì tôi cũng chỉ trân trọng cất giữ giấy khen của các con chứ không mang khoe. Và tôi yên tâm rằng như vậy là tôi đã không tạo áp lực học tập, áp lực thành tích cho con.

Cho đến một lần cô con gái lớp 8 đi học về và phụng phịu hỏi tôi: “Sao mẹ không hỏi con thi được mấy điểm?”. Tôi đứng hình mất vài giây rồi lúng túng trả lời: “Vì mẹ sợ tạo áp lực thành tích cho con!”. Con gái tôi càu nhàu: “Mẹ phải hỏi, phải biết con thi được điểm cao chứ!”.

Câu hỏi của con khiến tôi phải suy nghĩ về câu chuyện liệu sự quan tâm của phụ huynh có phải là nguyên nhân tạo nên áp lực thành tích cho các con? Có phải đứa trẻ nào cũng ghét bị hỏi “con thi được mấy điểm?” Hoặc vẫn có những đứa trẻ mong được phụ huynh hỏi “hôm nay con thi được mấy điểm?” giống con tôi? Phụ huynh chúng ta đôi lúc tự trách mình vì lỡ so sánh con mình với con người ta khiến con bị tổn thương, dù không phải lúc nào chúng ta cũng cố tình làm như vậy. Nhưng liệu có phải 100% đứa trẻ đều có chung sự bất mãn mỗi khi bị so sánh với “con nhà người ta”? Liệu có phải đứa trẻ nào cũng không muốn bố mẹ khoe giấy khen của mình?

Thực tế, các nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi đã rút ra những kết luận dựa trên số đông đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nhỏ đối tượng nghiên cứu có những đặc điểm tâm lý khác với số đông còn lại.

Bên cạnh đó, lứa học sinh THCS hiện tại (sinh năm 2010 trở về sau) lại là nhóm đối tượng khá đặc biệt vì chịu ảnh hưởng dài ngày của dịch COVID-19 khi vừa bước vào độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi phức tạp.

Giãn cách xã hội, học tập online đã khiến cho nhiều đứa trẻ thu mình lại, thích giao tiếp online mà ngại/gặp khó khăn giao tiếp trực tiếp. Một số trẻ còn phát triển tâm lý theo những chiều hướng mà phụ huynh dù có ít nhiều kiến thức sư phạm cũng phải “bó tay”, không thể nào hiểu được. Thậm chí, có những đứa trẻ có lúc còn chẳng thể hiểu nổi mình!

Học sinh THCS là những đứa trẻ ở độ tuổi có nhiều thay đổi mạnh mẽ cả về tâm lý và sinh lý nên thường dễ rơi vào trạng thái “sáng nắng chiều mưa”. Mỗi đứa trẻ lại là một cá thể riêng biệt không giống với một ai khác.

Vì vậy, mọi lời khuyên hay định hướng đúng với đứa trẻ này nhưng lại có thể không đúng với đứa trẻ khác. Nếu con trẻ không thích bị hỏi về điểm số thì phụ huynh không nên hỏi nhưng nếu con trẻ thích được hỏi thì phụ huynh không hỏi lại gây ra sự thất vọng. Thậm chí con sẽ cho rằng bố mẹ không quan tâm đến việc học của con, bỏ bê con.

Do đó, hiểu rõ con mình để có cách quan tâm, cách hỏi han, chia sẻ cho phù hợp mới là cách làm đúng đắn nhất dù rằng sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Hỏi con về điểm số chưa hẳn đã là câu hỏi không nên hỏi!

Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc