Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng chất lượng giáo dục ở một trường vùng sâu

08:28, 04/09/2024

Năm 2019, trên cơ sở tách ra từ phân hiệu của Trường THPT Lắk, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh được thành lập tại xã vùng sâu Krông Nô (huyện Lắk).

Nằm ở nơi tiếp giáp giữa ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, sự ra đời của trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh các xã Krông Nô, Nam Ka, Ea R’bin (huyện Lắk) và một số xã của huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông).

Với đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa, hằng năm Trường THPT Nguyễn Chí Thanh có 90 - 94% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có gần 60% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

Đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nên chất lượng giáo dục đầu vào của trường rất thấp. Đặc biệt, nhà của nhiều học sinh nằm sâu hút trong rừng, cách trường xa nhất hơn 20 km, khiến nhiều em dễ nản lòng, bỏ học giữa chừng.

Giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh trong một tiết học.

Dẫu gặp nhiều khó khăn nhưng chất lượng giáo dục của trường vẫn rất đáng ghi nhận. Tuy chỉ mới thành lập được 5 năm nhưng đã ba lần trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100%.

Nổi bật trong năm học 2023 - 2024, khối lớp 12 có gần 79% học sinh đạt học lực loại khá, giỏi; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%. Trường có 5 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 1 sản phẩm đạt giải Tư tại Ngày hội STEM cấp tỉnh năm 2023; 1 dự án tham gia Cuộc thi khoa học kỹ thuật đạt giải Ba; 2 Huy chương Đồng môn Anh văn và Lịch sử trong Cuộc thi Olympic 10/3; 2 giải Khuyến khích Hội thi rung chuông vàng môn Tiếng Anh cấp tỉnh; 4 thầy cô đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi THPT cấp tỉnh…

Thầy Trần Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, để đạt được những thành tích này, ngoài sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của chính quyền địa phương, Sở GD-ĐT, còn là sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường. Đội ngũ giáo viên nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Cụ thể, đánh giá, xếp loại học sinh căn cứ mức độ phát triển năng lực để xác định tỷ lệ các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu trong bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ. Đặc biệt, giáo viên không ngại khó, tâm huyết dạy phụ đạo cho học sinh năng lực yếu vào mỗi buổi tối tại phòng nội trú và bồi dưỡng kiến thức nâng cao cho các em tham gia các kỳ thi cấp trường, cấp tỉnh.

Khuôn viên Trường THPT Nguyễn Chí Thanh.

Để có kết quả tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi năm học, trường tổ chức hai đợt thi thử trên giấy và hàng chục lần thi trắc nghiệm trên máy để các em thành thạo, quen thuộc với dạng đề. Sau khi kết thúc kỳ thi thử, nhà trường sẽ tổ chức chấm, phân tích kết quả, từ đó đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, trong các bài kiểm tra, giáo viên sẽ kết hợp giữa hình thức tự luận với trắc nghiệm, giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành; nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với môn Khoa học xã hội để học sinh bày tỏ quan điểm, cách nhìn mới của bản thân về các vấn đề...

Mặc dù đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, nhưng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh vẫn còn không ít khó khăn.

Thầy Trần Hữu Phước trăn trở: Hiện nay trường vẫn còn thiếu nhân viên, giáo viên; nguy cơ bỏ học của học sinh còn tiềm ẩn. Bước vào năm học mới, trường đặt mục tiêu tiếp tục nỗ lực đạt những thành tích lớn hơn, không ngừng đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Để thực hiện được mục tiêu này, trường kiến nghị Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ kịp thời tuyển dụng đủ số lượng giáo viên theo quy định; có chế độ hỗ trợ phù hợp để các thầy cô giáo gắn bó lâu dài với trường. Đồng thời, sớm hỗ trợ trường xây dựng nhà đa năng, sân chơi, bãi tập để chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 từ năm học 2024 - 2025.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc