Nền tảng xây dựng môi trường giáo dục toàn diện
Tùy sự phát triển về thể chất, trí tuệ theo độ tuổi trưởng thành của học sinh mỗi cấp học mà việc đầu tư cơ sở vật chất cũng tương xứng với khuôn khổ chương trình học, nhu cầu học tập và quy mô học sinh của trường.
Bể bơi trong trường học
Cùng với huy động nguồn lực đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, sạch đẹp, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) đã xây dựng bể bơi kiên cố với đầy đủ thiết bị dạy học phù hợp với độ tuổi học sinh tiểu học và THCS.
Cô Hồ Thị Lam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, căn cứ vào việc trao quyền chủ động trong lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục của chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nhà trường đã xây dựng môn bơi lội (môn Giáo dục thể chất) thành môn học bắt buộc. Để triển khai kế hoạch này, năm học 2020 – 2021, nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống bể bơi cố định (diện tích gần 300 m2) với đầy đủ các thiết bị dạy học (áo phao, phao tay, thảm tập bơi, chân vịt…), đồng thời bố trí 4 giáo viên thể dục luân phiên dạy bơi cho học sinh, bảo đảm 100% học sinh của trường đều được học môn này.
Tiết học bơi của học sinh Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến. |
Ngoài ra, trường cũng kiện toàn cơ sở vật chất và duy trì sĩ số học sinh theo quy định, điều lệ của trường tiểu học là 35 - 36 học sinh/lớp; riêng lớp 1 có 2 giáo viên/lớp để có thể chăm sóc, kèm cặp học sinh ngay từ đầu cấp.
Cùng với đó, nhà trường cũng đa dạng hóa hoạt động giáo dục cho học sinh với nhiều hình thức khác nhau như: tham quan thực tế phù hợp với độ tuổi khi dạy học nội dung giáo dục địa phương (tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột, buôn Akô Dhông, Đình Lạc Giao…); phối hợp với các đơn vị luân phiên tổ chức chuyên đề tham gia giao thông an toàn, lòng biết ơn, sử dụng Internet an toàn, giáo dục giới tính, cách thoát hiểm khi có cháy, nổ…
Năm học 2024 – 2025, trường sẽ đưa vào sử dụng hội trường lớn với sức chứa 200 học sinh để tổ chức các chuyên đề chuyên sâu ở quy mô toàn khối, toàn trường; đồng thời tổ chức các câu lạc bộ âm nhạc, mỹ thuật, văn học… Qua đó, tạo môi trường học tập toàn diện, đa dạng theo hướng tự học tập, học tập theo các anh chị lớp trên cho học sinh...
Tạo không gian mở trong trường học
Năm học 2024 – 2025, Trường THCS và THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột) có 70 lớp với 2.900 học sinh, tăng 5 lớp (hơn 200 học sinh) so với năm học 2023 - 2024. Để tổ chức dạy và học hiệu quả theo chương trình GDPT 2018, nhà trường đã có sự đầu tư đồng bộ theo hệ thống ngay từ khi mới thành lập. Theo đó, nhà trường có khu nội trú cho học sinh có nhu cầu; phòng tự học; nhà đa năng; sân chơi thể thao; các phòng học bộ môn; phòng học mỹ thuật, âm nhạc… Nhờ đó, học sinh của trường có thể học tập ở ba chế độ (nội trú, bán trú, ngoại trú).
Buổi tự học của học sinh Trường THCS và THPT Đông Du tại phòng thư viện của trường. |
Theo thầy Nguyễn Phú, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Đông Du thì chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết/năm cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục; sách giáo khoa có tính mở (nhiều bộ sách khác nhau) đã tạo điều kiện cho nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học mỗi năm; nội dung giáo dục được sắp xếp mang tính tinh gọn, logic đáp ứng tinh thần đổi mới. Nhờ đó, học sinh dần có sự chủ động, tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, có các kỹ năng chia sẻ, hợp tác và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động tại trường…
Em Nguyễn Thục Nghi, học sinh lớp 11A1 nhận xét rằng, trường có các phòng học riêng khá rộng (phòng STEM, phòng tự học…) đủ để học sinh làm việc nhóm. Do đó, em và các bạn thường xuyên học bài thông qua hình thức xây dựng đồ án, làm bài tập nhóm, câu lạc bộ tại phòng riêng với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn. Nhờ đó, việc học của em tuy áp lực nhưng vui và hiệu quả; em có thể học được các kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình...
Nhìn tổng thể cho thấy, cơ sở vật chất tốt là nền tảng để triển khai có hiệu quả chương trình GDPT 2018, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Thanh Trúc
Ý kiến bạn đọc