Tại sao không thể đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra đại học?
Câu chuyện nhiều sinh viên không thể tốt nghiệp đại học vì nợ chứng chỉ B1 ngoại ngữ đã kéo dài từ rất lâu và được nhiều trường đại học, chuyên gia quan tâm mổ xẻ, phân tích nguyên nhân, tìm giải pháp nhưng tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Phải chăng do sinh viên lười biếng, không cố gắng nên mới không thể đạt chuẩn B1 ngoại ngữ?
Sinh viên năm thứ nhất đã trải qua 12 năm học phổ thông. Trình độ tiếng Anh đầu vào của đại học chính là kết quả đầu ra của giáo dục phổ thông. Vậy thì ở bậc phổ thông học sinh đã được học tiếng Anh như thế nào? Chất lượng ra sao?
Học sinh từ lớp 3 đã được học môn tiếng Anh; thậm chí một số trường còn tổ chức dạy từ năm lớp 1. Mỗi lớp có hơn 40 học sinh, trừ một số em có định hướng thi đại học có môn tiếng Anh hoặc đi du học nên tập trung đầu tư cho môn học này và có kết quả ở mức khá, giỏi; số còn lại chỉ học tiếng Anh "làng nhàng" sao cho đủ điều kiện tốt nghiệp. Mỗi tuần có 4 - 5 tiết tiếng Anh.
Trong mỗi buổi học, học sinh chỉ phải thực hành nói vài câu; bài kiểm tra một tiết, giữa kỳ hay cuối kỳ và cả tốt nghiệp chỉ thi đọc - viết chứ không thi nghe - nói nên số đông học sinh chỉ tập trung học ngữ pháp, không luyện nghe - nói. Giáo viên cũng chủ yếu tập trung dạy từ vựng, ngữ pháp và cho bài tập… luyện đề vì đó là nội dung sống còn để học sinh có thể tốt nghiệp. Đó là còn chưa bàn đến thực tế là có giáo viên ngoại ngữ cũng yếu kỹ năng nghe và nói.
Dĩ nhiên, với kiểu học và thi như vậy, cộng với việc không dành nhiều thời gian tự học thì đa số học sinh chỉ đạt điểm trung bình. Tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh dù học tiếng Anh suốt 10 năm nhưng chỉ có thể nghe nói vài câu đơn giản.
Sinh viên Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột trau dồi kỹ năng tiếng Anh để đáp ứng chuẩn đầu ra về ngoại ngữ. Ảnh: Nguyên Thảo |
Lên đến đại học, trừ sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ, sinh viên các ngành khác lại tiếp tục được học tiếng Anh ở những lớp còn đông gấp đôi so với thời học sinh; dĩ nhiên có ít cơ hội để thực hành nghe - nói tại lớp, đương nhiên thực hành với người nước ngoài lại càng không. Sinh viên nào có điều kiện đi học ở trung tâm ngoại ngữ, nhất là những trung tâm uy tín, có giáo viên nước ngoài thì khả năng tiếng Anh mới được cải thiện. Còn sinh viên nào không có điều kiện đi học trung tâm, vốn liếng tiếng Anh gần như bằng không nên tự học không thể có kết quả. Hậu quả là trầy trật qua được các học phần tiếng Anh bắt buộc thì lại nợ chứng chỉ B1 và không thể tốt nghiệp.
Là một giảng viên được giao nhiệm vụ làm cố vấn học tập, tôi vô cùng trăn trở với vấn đề chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên đại học. Năm 2017, lớp sinh viên mà tôi làm cố vấn học tập có tới 52% em không thể tốt nghiệp đúng thời hạn, trong đó chủ yếu là vì nợ chứng chỉ B1 tiếng Anh. Nhiều bạn sinh viên có kết quả học tập khá nhưng thi 3 - 4 lần B1 vẫn chưa đạt. Một trong số những bạn tốt nghiệp đúng hạn, thì cũng thi B1 đến lần thứ 6 mới đạt! Thậm chí, có một em đến năm 2024 này vẫn còn cố gắng vừa đi làm vừa tự học, song thi B1… vẫn rớt và tất nhiên là chưa thể lấy bằng đại học!
Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ được đặt ra để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay nhưng kết quả chưa đạt được như mong muốn. Vấn đề ở đây là tại sao dù sinh viên ở thành phố lớn hay ở tỉnh cũng đều chật vật vì ngoại ngữ? Phải chăng chuẩn (B1) quá cao so với năng lực ngoại ngữ thực tế của đại đa số sinh viên và nhìn rộng ra nữa là phương pháp dạy và học ngoại ngữ ở bậc phổ thông chưa hiệu quả? Đó là những vấn đề đặt ra đòi hỏi ngành giáo dục cần có câu trả lời!
Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc