Multimedia Đọc Báo in

Khi giáo dục “phân loại” đến cả... lòng nhân ái

10:34, 07/10/2024

Để chia sẻ với những đau thương, mất mát cũng như chung tay giúp đỡ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, cả nước từ cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể đến doanh nghiệp, người dân, ai cũng tích cực tham gia quyên góp, ủng hộ với tinh thần lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân.

Biết bao hành động, cử chỉ hướng về đồng bào khiến chúng ta rưng rưng. Đó là những hũ muối thơm ngon được các mẹ, các chị người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk làm từ những hạt đậu phộng được chọn lọc kỹ càng. Đó là những chuyến xe “0 đồng" bon bon ngày đêm chở bao tình yêu thương hướng về vùng lũ. Đó là hình ảnh của những cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong mưa lũ, đào bới từng thước đất tìm thi thể của đồng bào bị vùi lấp trong đất đá với niềm hy vọng mong manh... 

Tuy nhiên, không hiếm kẻ lấy chuyện thiện nguyện ra để làm “phông bạt”. Và câu chuyện sao kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào chiều ngày 12/9 được cộng đồng mạng gọi đó là màn "check VAR" ngoạn mục, đánh dạt các thể loại "phông bạt" là một minh chứng. 

Từ sao kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho thấy có rất nhiều cá nhân, tổ chức làm từ thiện, chỉ đơn giản là để giúp người, giúp đời xuất phát từ tấm lòng mà chẳng cần bất kỳ giấy chứng nhận hay sự ghi nhận nào. Cho nên, nhiều người đã vô cùng xúc động, nghẹn ngào trước tình cảm của các em học sinh dành tặng cho đồng bào mình dù chỉ vài nghìn đồng từ tiền tiết kiệm ăn sáng, quà vặt. Thế nhưng, một trường tiểu học ở TP. Hồ Chí Minh lại chỉ tặng giấy khen đối với học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng trở lên.

Trường Tiểu học &THCS Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột)
Ngoài ủng hộ tiền, học sinh Trường Tiểu học &THCS Nguyễn Khuyến (TP. Buôn Ma Thuột) còn viết thư gửi các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn do cơn bão số 3 gây ra. Ảnh: Lam  Nguyên

Vận động giúp đỡ người dân vùng bão lũ trong cộng đồng là để lan tỏa giá trị truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc, là để dạy cho con trẻ cho bài học về tinh thần nhường cơm sẻ áo, biết cách trao tấm lòng. Vậy mà, ngay trong môi trường giáo dục lại đi "phân loại" lòng nhân ái bằng cách phân biệt hình thức khen ngợi. Đó là cách làm không chỉ thiếu nhân ái, nhân văn mà còn phản giáo dục.

Thế mới thấy hình thức, chạy đua thành tích, xếp hạng vẫn còn là "căn bệnh trầm kha" trong giáo dục. Cho nên, mới có tình trạng cứ mỗi kỳ tuyển sinh cho năm học mới, phụ huynh phải xếp hàng từ tờ mờ sáng chỉ để mua hồ sơ vào được "trường điểm"; có tình trạng học sinh khi đánh giá, kiểm tra thực tế chỉ điểm yếu, thậm chí điểm liệt nhưng học bạ vẫn được làm... "đẹp". Không ít học sinh đã bật khóc, phụ huynh thì "sốc", còn dư luận thì bàng hoàng, đặt nghi vấn liệu vì thành tích mà "phông bạt" cho học bạ của học sinh. Sau bao năm đổi mới, cải cách, vòng xoáy của chạy trường, chạy lớp, chạy bằng cấp, chạy thành tích,... vẫn là những vấn nạn nhức nhối của ngành giáo dục. Nó như những căn bệnh cần lắm những cuộc đại phẫu thuật, phương thuốc đặc trị.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc