Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, năm 2024

13:59, 13/11/2024

Sáng 13/11, tại TP. Buôn Ma Thuột, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức khai mạc Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, năm 2024.

Tham dự hội thi có 72 đơn vị đến từ 14 Phòng Giáo dục - Đào tạo và 58 trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh với 204 tiết mục thuộc nhiều thể loại như: đơn ca, tốp ca, diễn tấu nhạc cụ truyền thống, múa…

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lưu Tiến Quang phát biểu tại lễ khai mạc.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lưu Tiến Quang phát biểu tại lễ khai mạc.

Các tiết mục tham gia có nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nhà trường, ca ngợi công ơn thầy, cô giáo, tình cảm bạn bè, thể hiện những ước mơ tươi đẹp của tuổi học trò, tình cảm, trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, gia đình và cộng đồng...

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia.
Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia.

Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” được tổ chức định kỳ hai năm một lần là ngày hội giao lưu văn hóa nghệ thuật của học sinh các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, qua đó nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ, chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và tạo sân chơi lành mạnh, thiết thực cho học sinh. Đồng thời tăng cường sự đoàn kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị trong toàn ngành giáo dục về tổ chức hoạt động giáo dục, tổ chức các hoạt động phong trào.

Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024); kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 – 22/11/2024).

h
Một tiết mục biểu diễn tại hội thi.

Hội thi diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 13 đến 16/11), qua đó Ban tổ chức sẽ tuyển chọn những tiết mục xuất sắc tham gia công diễn tại Chương trình Gặp mặt kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 18/11/2024 .

Huyền Diệu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.