Giữ đạo nghĩa thầy trò
Trong dòng chảy văn hóa, việc giữ đạo nghĩa thầy trò luôn được các thế hệ tiếp nối, xem trọng và không ngừng vun đắp cho tình cảm thiêng liêng cao đẹp.
1. Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ học một chữ, hay học nửa chữ thì cũng là thầy, không được phép quên ơn nghĩa ấy. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” còn được lưu truyền, khẳng định qua nhiều ca dao, tục ngữ mà lớp lớp thế hệ dân tộc Việt vẫn thuộc lòng: “Không thầy đố mày làm nên”, “Ăn quả nhớ người trồng cây/ Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”, hay “Ơn thầy soi lối mở đường/ Cho con vững bước dặm trường tương lai”; hoặc “Con ơi ghi nhớ lời này/ Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy chớ quên”… Tất cả nhằm nhắc nhở người học phải ghi nhớ những người đã dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất.
Để được học trò khắc ghi, kính trọng, những “người lái đò” đã thầm lặng dành trọn cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói rằng, “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Với sứ mệnh của nghề “trồng người”, các thầy cô giáo luôn luôn là hình mẫu lý tưởng cho các thế hệ học trò về đạo đức, nhân cách và trí tuệ. Thầy cô không chỉ truyền thụ kiến thức trên giảng đường, mà còn được xem như người thân, ruột thịt của học trò. Là những người ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, hành động của trò, các thầy cô luôn hướng học sinh mình có cái nhìn tích cực, lạc quan; luôn gần gũi, định hướng học trò vượt qua chông chênh, tiến bước trên con đường tương lai tươi sáng.
Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên trong giờ học tập. |
2. Trân trọng tình cảm thiêng liêng đó, những sự kiện đặc biệt, những dịp lễ như 20/11, các thế hệ học trò luôn thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình.
Trong những ngày này, video clip chia tay thầy hiệu trưởng về hưu được được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn bình luận. Đó là ngày thầy giáo Hoàng Minh Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ea H’leo) lên trường chuẩn bị nhận quyết định nghỉ hưu thì bất ngờ có hàng nghìn học sinh đứng ở các dãy phòng học vẫy tay chào đón thầy.
Trong tiếng reo hò, học sinh đã căng các tấm băng rôn “Thầy Hoàng Minh Ngọc mãi đỉnh”, “Chúng em cảm ơn thầy”. Giây phút ấy không chỉ khiến thầy Ngọc, mà tất cả người xem đều dâng niềm xúc động. Để có được tình cảm thiêng liêng đặc biệt ấy, gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy đã dành rất nhiều tâm huyết, gieo trồng nhiều yêu thương mới được hàng nghìn học sinh thương yêu và quý trọng đến vậy.
Thầy Hoàng Minh Ngọc được các thế hệ học trò quý trọng. |
3. Bên cạnh những câu chuyện cảm động về đạo nghĩa thầy trò, trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển cũng xảy ra nhiều sự việc đáng buồn, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Khiếm khuyết trong quan hệ thầy – trò vẫn còn đó, tiếp diễn và không phải là vấn đề của một cá nhân. Tất cả đều được đặt trong quan hệ tổng thể, từ trường học – gia đình – xã hội, từ giáo viên – phụ huynh – học sinh.
Giữ đạo nghĩa thầy trò trong xã hội hiện đại không khó, cái khó là sự cộng đồng trách nhiệm giữa các bên. Thầy giáo được xem là “kỹ sư tâm hồn”, đặc thù công việc yêu cầu người dạy phải kiên trì, nhẫn nại và không ngừng trau dồi tri thức. Phụ huynh không chỉ là bậc sinh thành, nuôi dưỡng, mà còn phải thường xuyên trách nhiệm quan tâm, sâu sát con em mình. Sự chuẩn mực, nghiêm khắc, nhưng giàu tình yêu thương của phụ huynh, giáo viên là tấm gương cho học sinh - những mầm xanh tương lai của đất nước học tập, rèn luyện và trưởng thành.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc