Multimedia Đọc Báo in

Kiến tạo không gian văn hóa học đường

16:00, 02/12/2024

Bất kỳ thời đại nào, việc kiến tạo không gian văn hóa học đường là điều cực kỳ quan trọng, bởi không gian nào thì cho ra đời sản phẩm (con người) đó, đúng như câu tục ngữ của dân gian thường nói “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn” vậy. Vì thế hơn ai hết, ngành giáo dục của mọi quốc gia, dân tộc đều hết sức chú trọng đến yếu tố/giá trị cốt lõi này.

Trước bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, ngành giáo dục nước ta đã đầu tư nhiều tiền của, trí tuệ để tìm hướng đi thích hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo con người, đáp ứng yêu cầu thời đại đặt ra. Công cuộc cải cách giáo dục đã được triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên suy cho cùng, cải cách giáo dục chỉ thành công khi chúng ta xây dựng được một nền văn hóa học đường chuẩn mực và lành mạnh, bởi mọi ước mơ, ý tưởng cải cách phải được thực hiện trong môi trường đào tạo cụ thể, một không gian văn hóa học đường cụ thể.

Vậy không gian ấy được kiến tạo, cấu trúc như thế nào? Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Lấy con người (học sinh, sinh viên) làm trung tâm, tất cả cho con người và vì con người. Tùy theo tính chất đào tạo từng bậc học để mỗi nhà trường ban hành mục tiêu, nội dung văn hóa học đường cụ thể. Trong đó nhất thiết phải có một hệ chuẩn mực, giá trị phù hợp với mục tiêu chung như đã nêu, được các thành viên tham gia xây dựng với cách thức tổ chức, thực hiện có tính chất ràng buộc mọi người phải nghiêm cẩn tuân thủ.

Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên) chia sẻ: Hệ chuẩn mực, giá trị đó được nhìn nhận, đánh giá từ ba mối cố kết cơ bản là nhà trường - gia đình - xã hội nhằm tạo ra không gian văn hóa học đường bao trùm và thúc đẩy con người trung tâm (học sinh, sinh viên) phát triển, hình thành đạo đức, nhân cách và tri thức ngang tầm thời đại; đồng thời cũng phải phù hợp với các giá trị truyền thống, phong tục của cộng đồng, xã hội.

Một tiết học tại Trường THPT Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thanh Hường

Ba mối cố kết trên sẽ không ngừng được điều chỉnh, hoàn thiện trên nền tảng, triết lý giáo dục con người phát triển toàn diện. Cố nhiên, để đạt được điều đó thì các mối quan hệ hữu cơ (giữa thầy và trò - con cái và cha mẹ - gia đình và xã hội) phải được bổ trợ, tương tác thường xuyên theo mục tiêu và nội dung văn hóa học đường mà từng cấp học yêu cầu.

Nói như thầy Phan Ngọc Lĩnh, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Thị Minh Khai (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) rằng: Để cho dễ hiểu và dễ hình dung về không gian văn hóa học đường - ở trường thì thầy ra thầy, trò ra trò; ở nhà con cái phải “đi thưa về trình”, cha mẹ quan tâm, chia sẻ và nêu gương; ngoài xã hội thì tạo điều kiện, môi trường lành mạnh, an toàn và dân chủ cho các em rèn luyện, phấn đấu. Làm được như thế chắc chắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục cả tri thức lẫn đạo đức và nhân cách để học sinh, sinh viên phát triển toàn diện, có tiềm lực cống hiến cho cộng đồng, xã hội. 

Vậy nên, văn hóa học đường là một môi trường hoạt động đặc biệt của con người, mang tính xã hội và lịch sử. Tùy theo triết lý giáo dục của từng thời đại hoặc của từng quốc gia mà người ta có thể xây dựng những cấu trúc khác nhau về khái niệm đang trở thành phổ quát ấy. Ở nước ta hiện nay, với chủ trương cải cách giáo dục theo hướng lấy người học là trung tâm, văn hóa học đường cần được thể hiện đầy đủ và thực chất trong tập hợp những mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời giữa ba mối cố kết, quan hệ hữu cơ nói trên. Trong đó, nhất mực chú trọng đến các mối quan hệ cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể và cá nhân với thiết chế xã hội hiện hành - Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông nhấn mạnh.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc