Multimedia Đọc Báo in

Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm: Đưa AI vào trường học

08:49, 24/01/2025

Bắt nhịp chuyển đổi số, Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Buôn Ma Thuột) đã triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin từ quản trị đến giảng dạy, cho học sinh làm quen với trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) và đem đến những bài học sinh động, dễ hiểu, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học tại trường.

Tiết học thú vị

Học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có tiết học môn Đạo đức “Học bài và làm bài đầy đủ” thú vị với nhiều sáng tạo thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Cụ thể, học sinh đã được xem những đoạn video tình huống ứng dụng công nghệ AI mô phỏng lại các hoạt động và giọng nói của học sinh từ hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa: lợi ích của việc học bài và làm bài đầy đủ; việc nào nên làm, việc nào không nên làm, vì sao? Sau mỗi video, học sinh được thảo luận nhóm đôi để nêu việc nên và không nên làm trong học tập.

Học sinh Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm thảo luận nhóm tại tiết học môn Đạo đức “Học bài và làm bài đầy đủ”.

Đặc biệt, tiết học có các video do giáo viên phối hợp với phụ huynh quay cảnh tự học ở nhà của một số học sinh trong lớp; các em còn lại cũng được chia sẻ với bạn về thói quen học bài và làm bài của mình. Từ đó giáo dục các em ý thức tự giác trong học tập, tự học ở nhà và sắp xếp góc học tập gọn gàng, ngăn nắp.

Học sinh còn được làm bài tập với tình huống cụ thể thường gặp “Khi gặp bài tập khó, em sẽ làm gì?”; giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận, đưa ra cách xử lý tình huống phù hợp. Qua đó, giáo dục các em về ý thức tự giác trong học tập, kiên trì, tìm cách giải quyết bài tập khó để đạt được mục tiêu học tập đề ra.

Cô Trần Thị Thúy Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6 cho hay, qua thực tế ứng dụng công nghệ AI trong dạy học cho thấy tiết học trở nên nhẹ nhàng, sinh động hơn. Các em học sinh được tham gia vào tiết học với vai trò là chủ thể kể về câu chuyện nền nếp học tập, sinh hoạt của bản thân tại trường, ở nhà để rút ra những bài học và biết cách vận dụng kiến thức đã học vào thực tế. Những kiến thức về đạo đức được học sinh tiếp nhận theo tâm thế chủ động, tự nhiên, thực tế.

Chuyên nghiệp trong quản lý

Chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số và Internet vào hệ thống giáo dục nhằm cải thiện chất lượng giảng dạy, học tập và quản lý. Điều này bao gồm việc cập nhật phương pháp giảng dạy, sử dụng các thiết bị hỗ trợ học tập tiên tiến và nâng cao trải nghiệm học tập của học sinh.

Cô  Trần Thị Thúy Nga, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6 hướng dẫn học sinh thảo luận về chủ đề tự học tại trường.

Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có sự đầu tư đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến thiết bị dạy học theo hướng hiện đại, thúc đẩy sự tương tác của học sinh trong mỗi tiết học: 43 lớp học đều được trang bị máy chiếu, hệ thống âm thanh; thiết bị thông minh Ebeam (dạy học tương tác); 4 phòng tin học chuyên biệt với 123 máy tính để bàn, 20 laptop...

 

Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm có 43 lớp với 1.830 học sinh, 159 lao động (trong đó có 89 giáo viên); nhà trường có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh là con em người lao động trong trường, học sinh người dân tộc thiểu số, con thương binh...

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm Lương Thị Bích Thảo chia sẻ, sự đầu tư đồng bộ đã giúp trường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục tại trường, tạo tiền đề để hoàn thành cùng lúc ba mục tiêu: dạy, học, quản lý. Tất cả các giáo viên của trường đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số, sử dụng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo vào hoạt động giáo dục như: Chat GPT; phần mềm Flash Professional CS6 (biên soạn hệ thống bài giảng môn Toán, Tiếng Việt)… Đặc biệt, việc sử dụng công nghệ AI xây dựng video trong soạn thảo bài giảng đã làm phong phú kho học liệu số của trường (bài giảng điện tử; ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm).

Cùng với đó, Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng thực hiện có hiệu quả việc đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là đánh giá cả quá trình học tập của học sinh với nhiều hình thức đa dạng; sử dụng các phần mềm trò chơi học tập (Quizizz, Blooket, Wordwall…) giúp học sinh kiểm tra và lĩnh hội kiến thức một cách nhẹ nhàng, vui vẻ, thoải mái. Hằng tháng, nhà trường tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên bằng hình thức trực tuyến và kiểm tra, đánh giá định kỳ trên máy tính đối với các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lí, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Tin học, Công nghệ…

Tiết học môn ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh tham gia các cuộc thi khác như Olympic Tiếng Anh - IOE, giải toán bằng Tiếng Anh, giải toán bằng Tiếng Việt, Trạng nguyên Tiếng Việt, đấu trường toán học VioEdu… Riêng từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2023 - 2024 toàn trường có 242 học sinh đoạt giải cấp quốc gia.

Về định hướng lâu dài, thầy Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, nhà trường luôn chú trọng đến việc tự học, tự nỗ lực của học sinh thông qua việc hỗ trợ học sinh xác định được mục tiêu học tập đúng đắn “Học để biết, học để làm, học để chung sống và phát triển”.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong khoảng vài năm trở lại đây là một trong những nền tảng để thúc đẩy sự sáng tạo trong giảng dạy của giáo viên, tăng sự kết nối giữa nhà trường và gia đình để cùng rèn luyện thói quen tự học, tự phục vụ, giải quyết vấn đề ở nhà và ở trường… nhằm nâng cao chất lượng dạy học hướng đến một môi trường học tập hiện đại, hiệu quả.

Giáo viên sẽ là người đồng hành, hỗ trợ trong quá trình học tập, giúp các em tiếp thu kiến thức một cách chủ động, sáng tạo.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chung tay chăm lo Tết cho người nghèo
Để “Tết đến với mọi người, mọi nhà”, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo chu đáo cho người dân, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp người dân có thêm điều kiện đón Tết an lành, vui tươi, hạnh phúc.