Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị chuyển đổi số ngành Công an nhân dân năm 2022

15:37, 10/10/2022

Sáng 10/10, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về chuyển đổi số trong Công an nhân dân lần thứ nhất năm 2022.

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số về dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự còn có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an; cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, thiếu tướng Lê Vinh Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị, Bộ Công an đã công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Công an (10/10); Công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban chỉ đạo; Công bố Chương trình chuyển đổi số trong Công an nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngày 25/5/2022, Bộ trưởng Bộ Công an ký Quyết định số 3750/QĐ-BCA ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an. Theo đó, năm 2022, Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số Bộ Công an đã đề ra kế hoạch hoạt động với 7 lĩnh vực công tác (gồm 32 nhiệm vụ).

Đến hết tháng 9/2022, toàn lực lượng công an đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ với những kết quả nổi bật. Cụ thể, Bộ Công an đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển các ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm an ninh an toàn hệ thống thông tin điện tử của ngành Công an và các bộ, ngành, địa phương...

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Công an. Ảnh: TTXVN
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an công bố Ngày Chuyển đổi số ngành Công an. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, trong ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư và căn cước công dân, lực lượng Công an đã cung cấp cho người dân nhiều tiện ích rất thiết thực về định danh nhân thân, sử dụng dịch vụ y tế, giáo dục, thanh toán không dùng tiền mặt. 

Bên cạnh đó, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử, tích hợp thông tin khám chữa bệnh của công dân lên ứng dụng VNeID; hướng dẫn Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh Việt Nam số hóa, nhập dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tổ chức xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone để làm sạch nhằm giải quyết tình trạng SIM rác…

Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều tiện ích khác phục vụ đời sống của người dân góp phần xây dựng công dân số, xã hội số, kinh tế số.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, thời gian tới, Bộ Công an cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò thường trực trong tổ chức triển khai Đề án 06 của Chính phủ mà trọng tâm là ứng dụng hiệu quả hệ thống định danh và xác định điện tử để khai thác thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Tăng cường đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.

Ngành Công an phối hợp các bộ, ngành tham mưu Chính phủ về quy mô, quy trình xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia bảo đảm kịp thời, hiệu quả, an toàn, an ninh mạng; nghiên cứu ứng dụng công nghệ số và các sản phẩm phục vụ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong ngành, phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của ngành Công an, giữ gìn an ninh trật tự và phòng chống an ninh tội phạm...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.