Multimedia Đọc Báo in

Công nghệ AI buộc con người không ngừng suy nghĩ

07:41, 27/08/2023

Trong diễn biến phát triển nhanh chóng của công nghệ số hiện nay, vấn đề trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành điểm nóng, khi ngày càng nhiều ứng dụng kiểm soát xã hội, môi trường… cho thấy hiệu quả gia tăng bằng công nghệ AI.

Điều này buộc cộng đồng phải nhìn nhận lại thực tế “cạnh tranh” khốc liệt mà những chỉ số thông minh của AI đặt ra với trí tuệ của đông đảo người làm việc hiện nay.

Không ít nhà nghiên cứu cảnh báo, nếu mỗi người trong số chúng ta không chịu thay đổi tư duy và nỗ lực sáng tạo hơn, sẽ đến một ngày chúng ta phải “khuất phục” trước AI. Mà như vậy, quan niệm trí tuệ của robot không vượt qua được trí tuệ những ông bà chủ sẽ không thể đứng vững được nữa.

AI đã lấn sân và hiện hữu?

Sự kiện mới đây nhất làm cả thế giới e dè, là các cơ quan khí tượng Trung Quốc vừa thông tin đã sử dụng phần mềm AI vào dự báo thời tiết với tốc độ dự đoán nhanh hơn một vạn lần và độ chính xác tăng lên so với các phương pháp truyền thống. Hệ thống này có tên Pangu-Weather, chỉ mất 1,4 giây để hoàn thành dự báo thời tiết toàn cầu trong 24 giờ, bao gồm độ ẩm, tốc độ gió, nhiệt độ, áp suất mực nước biển và nhiều yếu tố khác. Trong ví dụ cụ thể, đối với siêu bão Mawar vào tháng 5/2023, Pangu-Weather đã dự đoán chính xác đường đi của cơn bão này từ trước đó năm ngày.

Một bức tranh do AI tạo ra. Ảnh: Internet

Ở một góc độ khác, nhiều người dùng mạng xã hội tại Việt Nam mới đây chia sẻ hình ảnh do AI tạo nên về những phong cảnh, con người qua đường nét hội họa nhưng rất sắc sảo và độc đáo. Không ít họa sĩ thừa nhận, những bức tranh do AI tạo ra ấy có độ sinh động và phối màu chuẩn xác đến mức tinh tế, có lẽ theo góc nhìn của một máy ảnh công nghệ hơn là một nét cọ bình thường. Cho nên, ngắm những bức tranh của AI, nhiều người thậm chí còn có cảm xúc liên tưởng mạnh mẽ hơn với chính những tác phẩm nguyên bản…

Những thông tin này cho thấy, trong cuộc sống hôm nay, mỗi ngày qua, công nghệ trí tuệ nhân tạo lại tiến thêm một bước, và đi đến những mức độ hoàn hảo khiến chính con người phải thán phục. Những giải pháp, cách thức AI đem lại thực sự làm tăng hiệu quả hành động hơn nhiều lần, và câu hỏi nghi vấn liệu sẽ có một ngày chính AI làm đào thải nhiều người trong công việc vốn có, sẽ không là giả định nữa. Thậm chí theo một số người phân tích, trước đây người ta quen chấp nhận sự hiện diện những phép toán từ siêu máy tính công nghệ, vì tốc độ và dữ liệu tích hợp quá lớn, vượt qua năng lực mỗi cá nhân con người; còn nay, hiện hữu của AI lấn cả vào sáng tạo nghệ thuật, mỹ thuật, âm nhạc và văn chương. Có những tác giả trẻ vốn tự tin vào năng lực sáng tạo của mình, phải giật mình khi nhận ra, trong một câu văn do AI viết, độ chính xác về từ dùng, bối cảnh thể hiện còn tốt hơn chính họ nhiều.

Con người cần tăng sức cạnh tranh hơn

Với thực tế đáng suy ngẫm như vậy, các nhà tư vấn xã hội cho rằng, đã đến lúc chúng ta nên xem lại thái độ của mình. Nhất là giới trẻ, trong vòng 20 năm lại đây, từ khi Internet lan tỏa cùng các ứng dụng số hóa ngày một thông minh hơn, nhiều bạn trẻ đã quen “suy nghĩ” bằng thông tin mạng. Với bất cứ câu hỏi nào, dữ liệu nào, các bạn trẻ cũng quen gõ tra cứu bằng các công cụ trực tuyến để giải quyết. Tất cả khiến các bạn trẻ “lười” suy nghĩ hơn, thậm chí việc nhớ một bài thơ cũng trở nên khó khăn. Đây là thực tế lệ thuộc rất lớn của đời sống người tiêu dùng vào công nghệ số hóa, cũng là lý do khiến nguy cơ đe dọa AI ngày càng chiếm lĩnh hoạt động đời sống con người.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Huế), một người hơn nửa đời hoạt động sôi nổi về sáng tạo mỹ thuật nhìn nhận, tốc độ phát triển của đời sống công nghệ thật đáng kinh ngạc, và ngay với những người đam mê sáng tạo như ông cũng tự nhiên thấy lạc hậu. Hiện tại, họa sĩ này đang lên kế hoạch “số hóa” những tác phẩm của mình, để giới thiệu rộng rãi với người sưu tập tranh hơn, và theo đó câu chuyện tìm kiếm một công cụ AI quảng bá tốt cho các bức tranh của ông phải đặt ra. Đồng thời, ông nhận thấy những gam màu quen thuộc của mình rất nhanh bị những bức tranh AI “chiếm hữu”, và để nâng tầm thưởng thức của công chúng, ông cần đổi mới nét cọ. “Nghĩa là để thích ứng thời đại số hóa, mỗi người phải tự lo cạnh tranh với chính năng lực của mình, trước khi năng lực ấy bị trí tuệ nhân tạo học được và chiếm đoạt” - họa sĩ Đặng Mậu Tựu chia sẻ.

Suy nghĩ này không phải cá biệt, và với những người làm về chuyên môn khoa học, thách thức sự thay đổi sáng tạo, cập nhật đổi mới năng lực càng gay gắt hơn. Ngay với giới truyền thông báo chí, câu chuyện những đài truyền hình tại Ấn Độ đã thay người dẫn chương trình truyền thống bằng “nhân vật AI” lôi cuốn hơn đang cảnh tỉnh số đông phải mau chóng chuyển đổi. Vấn đề ở chỗ, nếu cách đây một năm, thế giới mạng xã hội còn dè dặt nhận xét về công nghệ ChatGPT, thì hôm nay, sự hiện diện của các nhân vật AI thông minh, linh hoạt đã tràn đầy trong các lĩnh vực xã hội. Có thể chỉ trong một thời gian ngắn, bộ phận lễ tân tại các văn phòng kinh doanh, môi giới, khách sạn nhà hàng… sẽ được thay thế bằng những màn hình với nhân vật AI tươi trẻ, nhiệt tình và ứng phó cực kỳ khôn ngoan. Tiếp đó sẽ là những nhân vật kinh doanh trực tuyến với trí tuệ không ngừng được bổ sung, đảm bảo đánh bay quan niệm “người máy” trong mắt số đông người tiêu dùng...

Nghĩa là nếu con người không nhanh chóng thay đổi sức sáng tạo, công nghệ AI sẽ càng ngày càng chiếm lĩnh cuộc sống và đó là một nguy cơ lớn, buộc mỗi người phải biết nhìn lại chính mình, để không bị lạc hậu!

Thụy Bất Nhi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.