Multimedia Đọc Báo in

Nghị quyết về “tam nông”: Cuộc mở đường cho hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn (kỳ 1)

06:48, 23/08/2021

Phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống nông dân là chủ trương xuyên suốt của Đảng với nhiều giải pháp, chương trình, kế hoạch đã được triển khai thực hiện.

Trong đó Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Ngày 20-10-2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Chương trình 26-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Sau gần 13 năm đi vào cuộc sống, nghị quyết về "tam nông" trở thành luồng gió mới, khích lệ nông dân Đắk Lắk năng động, đổi mới tư duy về sản xuất, thể hiện rõ vai trò chủ thể trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất rau sạch tại Công ty TNHH Ban Mê Green Farm. Ảnh: Hương Lê

Gia tăng giá trị sản phẩm

Nghị quyết số 26-NQ/TW được tỉnh cụ thể hóa trước hết bằng việc ban hành đồng bộ nhiều giải pháp, nhiều đề án, chương trình trọng tâm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Trong đó, kiên trì mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM.

Với hướng đi này, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế và đời sống nông thôn, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT), giai đoạn 2016 – 2020, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh tăng bình quân 5,64%/năm.

Đặc biệt, lĩnh vực trồng trọt chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh và sản xuất cây trồng chủ lực. Đáng chú ý, với việc không ngừng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được cải thiện, nhiều sản phẩm đã tạo dựng và khẳng định được thương hiệu, nâng cao hiệu suất kinh tế trên một đơn vị diện tích. Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 112 triệu đồng/ha (năm 2020), tăng 30,08 triệu đồng so với năm 2015 (tăng 36,7%).

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại bước đột phá trong sản xuất (Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Cư Kty, huyện Krông Bông). Ảnh: Đinh Nga

Đơn cử như cây cà phê, việc sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận đang tăng nhanh về diện tích với các loại hình sản xuất cà phê bền vững như: 4C, UTZ Certified, RFA và Fairtrade. Mối liên kết giữa "4 nhà" (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) từ đó cũng ngày càng được tăng cường, bền vững hơn, góp phần làm gia tăng giá trị cà phê xuất khẩu, cải thiện đời sống người sản xuất cà phê qua hưởng lợi từ việc nhận giá cộng thêm.

Năm 2020, toàn tỉnh có  45.674/208.109 ha cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận, chiếm 22,44%. Đáng chú ý, việc sử dụng thương hiệu Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta đang được các doanh nghiệp chủ động đưa vào sản xuất cũng như giới thiệu, quảng bá và đưa ra thị trường. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 12 công ty, hợp tác xã được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý, với tổng diện tích 15.612,7 ha, sản lượng đăng ký 48.691 tấn/năm.

“Để thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp, ngành nông nghiệp Đắk Lắk tiếp tục tập trung thực hiện 5 đột phá chính: Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức lại sản xuất (liên kết người nông dân, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã); thu hút đầu tư của doanh nghiệp với cơ chế chính sách phù hợp; đầu tư phát triển thủy lợi (ưu tiên tưới cho cây trồng cạn); xây dựng thương hiệu, chất lượng đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và thế giới” - Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương.

Đầu tháng 8-2021, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk đã xuất khẩu thành công sang thị trường Anh lô hàng (20 tấn) cà phê Robusta đặc sản. Điều này cũng cho thấy, sản phẩm cà phê chất lượng cao của Đắk Lắk đã bắt đầu chinh phục được các thị trường khó tính trên thế giới. Đây được xem là bước chuyển mình của ngành cà phê từ số lượng sang đầu tư vào chất lượng để gia tăng giá trị sản phẩm. Đó cũng là định hướng phát triển nông nghiệp đang được tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện.

Không chỉ là thủ phủ cà phê, Đắk Lắk còn là một vựa lúa của Tây Nguyên với diện tích 100.513 ha. Sản lượng đều tăng qua các năm từ 510.071 tấn (năm 2015) lên 690.944 tấn (năm 2020). Đặc biệt, vụ đông xuân năm 2020  - 2021, cây lúa nước đạt năng suất rất cao, bình quân toàn tỉnh hơn 72,5 tạ/ha, đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên và đứng thứ tư so với các tỉnh khu vực miền Nam (sau các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, An Giang). Kết quả này sẽ giúp Đắk Lắk bảo đảm kế hoạch sản xuất trên 1 triệu tấn lương thực/năm. Cũng như cà phê, không chỉ gia tăng về sản lượng, sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết theo quy mô tập trung gắn với xây dựng thương hiệu, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và hướng đến xuất khẩu.

Phát huy thế mạnh sản phẩm từng địa phương

Một trong những chương trình mang lại hiệu ứng tích cực trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng nông thôn đó là Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Sau 3 năm triển khai, các địa phương đã tập trung phát huy thế mạnh sẵn có của các sản phẩm như cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca… góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa kinh tế khu vực nông thôn, giúp các sản phẩm địa phương từng bước được chuẩn hóa và xây dựng thành thương hiệu.

Chế biến cà phê đặc sản tại Hợp tác xã Ea Tân - đơn vị liên kết sản xuất với Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Thuận

Trong năm 2020, Đắk Lắk đã tiến hành khảo sát và chọn được các sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm để thực hiện Chương trình OCOP. Trong đó, nhóm thực phẩm có: hạt hồ tiêu, ca cao, quả bơ, sầu riêng, xoài, rau quả, sản phẩm từ ong, heo, cá tầm, cá lăng đuôi đỏ, chả cá thát lát. Nhóm đồ uống gồm: cà phê và sản phẩm của cà phê, trà thảo mộc, trà mãng cầu, mắc ca, chanh dây. Nhóm thảo mộc có: thuốc Ama Kông, nghệ, tinh dầu. Nhóm vải và may mặc có vải thổ cẩm. Nhóm trang trí - nội thất - lưu niệm có mây tre đan. Nhóm du lịch nông thôn có: Khu du lịch sinh thái Troh Bư, Cụm du lịch thác Thủy Tiên, Chuỗi du lịch nông nghiệp văn hóa nông thôn Ea Kar, Du lịch cộng đồng 7 buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở Ea Kar, Du lịch sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Tỉnh đã tổ chức Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và công nhận 35 sản phẩm đạt từ 3 - 4 sao. Việc gắn sao cho các sản phẩm OCOP khẳng định được chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ ở các địa phương, góp phần gia tăng giá trị và có một thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, đẩy mạnh Chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa việc xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Hiện Sở NN-PTNT cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2021, với mục tiêu là có 50 sản phẩm được gắn 3 sao trở lên, đồng thời hình thành hệ thống quảng bá, xúc tiến sản phẩm OCOP Đắk Lắk, ứng dụng công nghệ số trong phát triển thương hiệu, phân phối, tiếp thị sản phẩm nhằm nâng cao doanh số bán hàng OCOP của các tổ chức kinh tế.

(Còn nữa)

Lê Hương - Thuận Nguyễn - Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.