Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M'Drắk: Đảm bảo an toàn giao dịch trong mùa dịch

06:16, 29/09/2021

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện M’Drắk đặt ra mục tiêu vừa hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch và nhiệm vụ được giao vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và khách hàng đến giao dịch.

Hiện nay, điểm giao dịch xã Krông Jing vẫn tổ chức các buổi giao dịch cố định như thường kỳ. Tuy nhiên, cách sắp xếp, bố trí của điểm giao dịch có nhiều thay đổi. Cụ thể, các ghế ngồi bố trí giãn cách nên mỗi lần chỉ có tối đa 3 khách hàng vào giao dịch; trên bàn giao dịch được trang bị kính chắn giọt bắn, một cán bộ của xã luôn túc trực để hướng dẫn từng đợt khách hàng vào giao dịch…

Ông Y Thiếu Byă, Chủ tịch UBND xã Krông Jing cho biết, trước khi tổ chức phiên giao dịch lưu động tại xã, NHCSXH huyện đã phối hợp với UBND xã thông báo đến các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội về thời gian giao dịch cụ thể. Đồng thời, tổ chức giải ngân, thu hồi nợ theo từng tổ để khách hàng sắp xếp công việc đến giao dịch thuận lợi, đảm bảo giãn cách, hạn chế đông người nhằm phòng, chống dịch.

Nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện M'Drắk hướng dẫn thủ tục giải ngân cho người dân.

Không như các tổ chức tín dụng khác, công tác cho vay, thu lãi, thu hồi nợ và gửi tiết kiệm của NHCSXH được triển khai thực hiện theo hình thức giao dịch lưu động tại UBND các xã, thị trấn.

Hiện nay, toàn huyện M’Drắk có 13 điểm giao dịch tại xã, thị trấn với 248 tổ vay vốn tiết kiệm, trên 10.000 khách hàng. Do vậy công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm giao dịch luôn được NHCSXH huyện đặc biệt quan tâm và ưu tiên bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tại các điểm giao dịch xã hiện nay đều phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế), chỗ làm việc thông thoáng, có khoảng cách an toàn giữa các giao dịch viên, giữa cán bộ ngân hàng với khách hàng đến tham gia giao dịch. Ngoài ra, tổ giao dịch xã còn được trang bị mũ kính bảo hộ ngăn giọt bắn và có vách ngăn phòng dịch trên bàn làm việc. Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng trước khi thực hiện giao dịch đều được hướng dẫn đeo khẩu trang và vệ sinh tay bằng dung dịch khử khuẩn.

Buổi giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tại xã Krông Jing.

Ông Nông Tuấn Đạt, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện M'Drắk cho biết: Nhờ thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch nên từ đầu năm đến nay, hoạt động của các điểm giao dịch vẫn diễn ra thông suốt, an toàn, kịp thời giải ngân vốn vay cho đối tượng chính sách. Trong 9 tháng đầu năm 2021, doanh số cho vay đạt hơn 99,8 tỷ đồng/2.430 lượt khách hàng vay vốn, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng lên hơn 428 tỷ đồng với 10.022 khách hàng.

Thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về tín dụng chính sách đến các đối tượng được thụ hưởng, hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cho các đối tượng có nhu cầu vay vốn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất…

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.