Multimedia Đọc Báo in

Nông dân huyện Lắk hối hả gặt lúa “chạy lũ”

21:28, 11/09/2021

Mưa nhiều ngày liên tục, cộng với ảnh hưởng của bão số 5 (bão Conson), hàng trăm héc ta lúa trên địa bàn huyện Lắk bị ngập chìm trong nước. Hai ngày qua, bà con nông dân phải hối hả gặt lúa “chạy lũ” với hy vọng vớt vát được công sức của cả vụ mùa.

Nông dân huyện Lắk gặt lúa chạy lũ.

Ghi nhận tại các cánh đồng trên địa bàn xã Đắk Liêng – địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất huyện, người dân đang phải ngâm mình trong biển nước để cố gắng vớt vát đưa lúa về nhà. 12 giờ trưa, tại cánh đồng buôn Bàng, hộ anh Y Dhăm Bđáp (buôn Bàng, xã Đắk Liêng) phải dùng thuyền nhỏ đẩy từng bó lúa lên bờ trước khi vận chuyển về nhà.

Anh cho biết, nhà anh có 1 ha đất trồng lúa tại cánh đồng này, công chăm sóc mấy tháng trời, nay đến ngày thu hoạch thì gặp mưa lớn nên ngập hết. Để kịp đưa lúa về nhà, từ sáng sớm 11-9, gia đình anh phải huy động 11 người gặt lúa bằng tay, trong đó 8 người nhà và phải thuê 3 người, với giá 250.000 đồng/ngày/người. Mặc dù giá thuê người gặt cao, nhưng do mưa lớn, việc tìm người để thuê không hề dễ dàng.

Cánh đồng thôn Hòa Bình, xã Đắk Liêng bị ngập chìm trong nước.
Cánh đồng thôn Hòa Bình, xã Đắk Liêng bị ngập chìm trong nước.

Tương tự, bà Bùi Thị Tường (thôn Hòa Bình 2) buồn rầu: “Nhà tôi có 6 sào lúa vụ Hè thu ở cánh đồng Hòa Bình, nay đến kỳ thu hoạch nhưng lúa ngập hết cổ bông rồi (đã bị ngập sâu) nên chỉ biết cầu mong trời ngừng mưa, nước rút nhanh để đưa lúa về. Hai ngày nay, gia đình tôi đã tìm thuê người khắp nơi, nhưng không ai nhận lời, thậm chí chấp nhận thu lúa về chia đôi sản phẩm nhưng cũng không tìm ra người. Giờ mà trời tiếp tục mưa thì toàn bộ diện tích lúa của gia đình tôi sẽ mất trắng”.

Ông Y Săn Kyang, xã Đắk Liêng ngâm mình trong nước để cố gắng vớt vát lúa của gia đình.
Ông Y Săn Kyang, xã Đắk Liêng ngâm mình trong nước để cố gắng vớt vát lúa của gia đình.

Đang ngâm mình dưới ruộng lúa của gia đình, ông Y Săn Kyang (buôn Bàng, xã Đắk Liêng) chia sẻ, khu vực ruộng lúa nhà ông có khoảng 60 héc ta bị ngập sâu. Bà con muốn gặt để kịp đưa lúa về nhà, nhưng thuê công khó quá. Như gia đình ông có 6 sào lúa sắp thu hoạch, trong khi nhà neo người, vợ ông lại đi điều trị bệnh ở bệnh viện nên chỉ mình ông lội ruộng gặt lúa. Mặc dù toàn bộ diện tích lúa đã ngập trong nước nhưng ông vẫn cố gắng thu hoạch với hy vọng thời tiết thuận lợi thì sẽ phơi và vớt vát được một phần, nếu mưa tiếp tục kéo dài thì đành làm thức ăn cho gia súc.

Cánh đồng buôn Bàng, xã Đắk Liêng bị ngập sâu, nhiều hộ dân phải dùng thuyền, tấm bạt để vận chuyển lúa từ ruộng lên bờ.
Cánh đồng buôn Bàng, xã Đắk Liêng bị ngập sâu, nhiều hộ dân phải dùng thuyền, tấm bạt để vận chuyển lúa từ ruộng lên bờ.

Còn tại xã Buôn Tría, do cơn lũ đến bất ngờ nên phần lớn diện tích ruộng nằm sát bờ sông đều bị ngập sâu. Dù trắng đêm dầm mình dưới ruộng để gặt chạy lũ nhưng số hộ mang được lúa về chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Mến (trú tại thôn Đông Giang 2, xã Buôn Tría) có 6 sào lúa vụ hè thu khoảng nửa tháng nữa là đến kỳ thu hoạch, nhưng chiều ngày 10-9 nước lũ bất ngờ tràn về khiến toàn bộ ruộng lúa ngập. Dù lúa mới chín khoảng 60%, nhưng lo sợ lúa bị ngập dẫn tới mất trắng, nên cả đêm 10-9 gia đình chị đã thuê máy, huy động thêm người nhà để đưa lúa về nhà. “Đêm qua, cả nhà phải gặt lúa chạy lũ đến hơn 4 giờ sáng nhưng cũng chỉ thu được hơn một nửa, những ngày tới nếu tiếp tục có mưa lớn thì số số diện tích còn lại khả năng mất trắng rất cao. Vụ hè thu này may ra đủ để tiền giống và phân bón, còn công chăm sóc coi như bỏ đi", chin Mến nói.

Những bó lúa được chất lên xe để vận chuyển về nhà.
Những bó lúa được chất lên xe để vận chuyển về nhà.

Ông Phạm Xuân Huế, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría cho biết, hiện hàng trăm người dân trên địa bàn xã đang huy động máy móc, lực lượng để gặt lúa chạy lũ sau cơn mưa lớn kéo dài vào đêm 10-9. Vụ hè thu năm 2021, xã Buôn Tría gieo trồng 920 héc ta lúa nước, những ngày vừa qua trên địa bàn huyện Lắk mưa nhiều, nước sông dâng cao, ảnh hưởng rất lớn đến diện tích lúa sắp thu hoạch của bà con.

Việc thu hoạch lúa “chạy lũ” là bất đắc dĩ, bởi lúa hiện tại chưa chín rộ nên năng suất, sản lượng có thể giảm từ 1/3 đến 1/2. Tuy nhiên, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, địa phương cũng khuyến cáo bà con huy động máy móc, con người để đưa lúa về nhà, nhất là ở vùng thấp trũng. Tính đến chiều 11-9, toàn xã đã có hơn 50 héc ta lúa bị ngập, hiện địa phương đang tiến hành thống kê thiệt hại để báo cáo lên cấp trên.

Tỉ lệ lúa chín mới được khoảng 50%, nhưng nông dân xã Buôn Tría buộc phải thu hoạch do ruộng bị ngập trong nước.
Tỉ lệ lúa chín mới được khoảng 50%, nhưng nông dân xã Buôn Tría buộc phải thu hoạch do ruộng bị ngập trong nước.

Ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lắk cho biết, từ ngày 7-9 đến nay trên địa bàn huyện có mưa vừa đến mưa to, cộng với ảnh hưởng của cơn bão số 5 nên diện tích ngập lụt khoảng 230 héc ta. Trong đó, xã Đắk Liêng khoảng 130 héc ta, Buôn Tría 50 héc ta và Buôn Triết 50 héc ta. Mới đây, Phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn về việc tuyên truyền cho bà con thực hiện phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, khuyến cáo đẩy nhanh việc thu hoạch lúa ở những vùng thấp trũng, thường xuyên bị ngập lụt khi xảy ra mưa lớn.

Trong sáng 11-9, sau khi nhận thông tin về diện tích lúa ngập lụt ở các địa bàn, UBND huyện đã thành lập Tổ kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương để tiếp tục cập nhật diện tích thiệt hại. Qua đó có cơ sở hỗ trợ các hộ dân trồng lúa bị ảnh hưởng theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, ngày 9-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong những ngày qua trên địa bàn một số huyện xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, lốc xoáy, do đó khuyến cáo người dân cần theo dõi dự báo, diễn biến của thời tiết để chủ động trong sản xuất, lao động nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.