Multimedia Đọc Báo in

Krông Năng phát triển cà phê cảnh quan bền vững

11:26, 20/10/2021

Nhờ tham gia chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (Chương trình PPI Compact), người dân trên địa bàn ba xã: Ea Toh, Ea Tân và Dliêya (huyện Krông Năng) đang từng bước thay đổi tư duy, cách làm của mình đối với cây cà phê…

Sau hơn hai năm tham gia chương trình phát triển vùng cảnh quan bền vững trên diện tích 2,5 ha, vườn cây của gia đình ông Đoàn Văn Thống (thôn Thanh Cao, xã Ea Tân) đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Ông được chương trình hỗ trợ về kỹ thuật, giống, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện trồng nhiều loại cây xen trong vườn cà phê có giá trị kinh tế. Từ đó, vườn cây được kiến tạo đa tầng từ thấp đến cao theo mô phỏng hệ sinh thái rừng tự nhiên như: tầng trên cùng là cây bóng mát, cây ăn trái, tầng trung là cây cà phê và tầng dưới là thảm cỏ thực vật.

Ông Thống chia sẻ: "Chương trình mang lại hiệu quả rất thiết thực, giảm được lượng phân bón, nước tưới cho cây trồng và tăng độ xanh mát của vườn cây. Cảm giác làm việc trong vườn cà phê như được trải nghiệm, thăm thú chứ không chỉ đơn thuần là lao động như trước...”.

Mô hình sản xuất cà phê bền vững của gia đình anh Nguyễn Đức Minh (bìa trái).

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đức Minh (trú cùng thôn) cũng có hơn 2 ha cà phê sản xuất theo phương pháp cảnh quan bền vững. Sau hai năm tham gia, anh được học phương pháp làm đất tối ưu, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng thảm cỏ cải thiện đất; đồng thời được hướng dẫn trồng xen canh nhiều loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích.

Thay đổi nhiều thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, thực hiện canh tác theo hướng cảnh quan bền vững, anh phải đầu tư chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ hơn, nhưng bù lại năng suất, chất lượng cà phê cao hơn trước, sản phẩm cây trái cũng đa dạng hơn nên thu nhập được nâng lên đáng kể.

 

“Chương trình PPI Compact đã làm thay đổi nhận thức, thói quen của nông dân trong sản xuất cà phê, đó là sản xuất có trách nhiệm, góp phần nâng cao giá trị, uy tín, chất lượng cà phê và thương hiệu cà phê Krông Năng. Hiện nay, Tập đoàn rang xay cà phê hàng đầu thế giới (JDE) đã công bố thu mua sản phẩm cà phê trong vùng sản xuất bền vững cho nông dân huyện Krông Năng, đây là điều đáng mừng".

 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng Trần Sơn

Ông Phạm Văn Tương - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tân cho hay, toàn xã hiện có hơn 50 ha cà phê sản xuất theo chương trình cảnh quan bền vững.

Những năm trước, các hộ chăm sóc cà phê chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế nên năng suất không cao mà chi phí đầu tư nhiều, thu nhập sau khi trừ chi phí không còn lãi được bao nhiêu.

Tham gia chương trình, nông dân không những được hỗ trợ kinh phí mà còn được hướng dẫn những kỹ thuật canh tác mới. Từ đó, giúp cây cà phê, cây trồng xen phát triển tốt, thu nhập cao hơn 30 triệu đồng/ha so với các vùng khác...

Huyện Krông Năng có 24.558 ha cà phê; trong đó, diện tích cho sản phẩm là 22.429 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 3 tấn/ha, sản lượng đạt gần 67.000 tấn/năm.

Huyện rất chú trọng đến phát triển bền vững trong sản xuất cà phê, hiện đang triển khai Chương trình PPI Compact. Đây là một cách tiếp cận mới do Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH (The Sustainable Trade Initiative - IDH) phát triển và tài trợ, với sự tham gia của Tập đoàn JDE, Dự án VnSAT, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Dak Lak), các công ty cung ứng đầu vào và các công ty/doanh nghiệp, đại lý địa phương.

Chương trình được thực hiện trong thời gian 7 năm, hướng tới xây dựng vùng cảnh quan bền vững dựa trên các mục tiêu tăng trưởng xanh, được chia làm hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2020, với quy mô ban đầu là 5.200 ha/4.000 hộ dân tại ba xã: Ea Tân, Ea Toh và Dliêya đã tạo được những tác động cụ thể trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, bảo đảm đời sống của nông dân như: giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng; giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê; thu nhập của nông dân trong vùng thí điểm tăng thêm 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng; 100% lượng cà phê trong vùng thí điểm được thu mua với giá cao hơn giá thị trường.

Giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2025, huyện sẽ mở rộng ra 12 xã, thị trấn với quy mô 21.100 ha toàn huyện.

Người dân ở xã Ea Tân chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

Theo đánh giá của UBND huyện, chương trình cũng gặp nhiều khó khăn: thời điểm triển khai diễn ra trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nông sản (hồ tiêu, cà phê, cây ăn trái) giảm sâu, ít nhiều đã ảnh hưởng tới sự tham gia của người dân cũng như các đối tác, đặc biệt là phần đối ứng của người dân; chương trình lần đầu tiên áp dụng, với cách tiếp cận mới liên quan tới nhiều đối tác và mọi mặt của đời sống xã hội, thêm vào đó cán bộ tham gia thực hiện chủ yếu là kiêm nhiệm nên cũng còn những hạn chế.

Đặc biệt, trong hai năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các hoạt động cũng như sự tham gia của người dân trong các lớp tập huấn do áp dụng giãn cách xã hội.

Thời gian tới, huyện sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị sản xuất bền vững và động viên sự tích cực hưởng ứng tham gia, đồng thuận của người dân; tiếp tục thực hiện cơ chế huy động, lồng nghép các nguồn lực để triển khai chương trình...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.