"Hàn thử biểu" đo nhịp sống của người dân xứ cà phê
Có thể nói, không nơi nào có đời sống sản xuất, tiêu thụ, thưởng thức cà phê lại sinh động và có sức lan tỏa sâu đậm trong cộng đồng, xã hội như ở Đắk Lắk.
Đặc biệt là nhịp sống của hàng vạn nông hộ trồng cà phê ở vùng đất này luôn gắn bó và chịu sự chi phối từ chuỗi giá trị gia tăng của loại cây trồng đặc sản ấy. Nhiều người cho rằng, giá cả của cà phê là “hàn thử biểu” để đo mức độ tiêu dùng, chi phí sinh hoạt của người dân qua từng niên vụ.
Nhận xét trên quả thật không ngoa, cứ nhìn vào “hàn thử biểu” ấy sẽ biết được đời sống của dân làm cà phê thế nào! Một vụ cà phê bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11. Khoảng thời gian đó, vườn cà phê đòi hỏi ít nhất từ 3 - 4 lần nước tưới và cũng chừng ấy lần bón phân, vét bồn, làm cỏ, tỉa cành… Vì thế nông dân tất bật cả năm với hy vọng có một niên vụ được mùa, được giá. Hiện tại giá cà phê ở Đắk Lắk đang nhích lên ở mức hơn 40 nghìn đồng/kg nhân xô, với mức giá này, người trồng cà phê có lời chút đỉnh so với những niên vụ trước. Ông Võ Thảo (ở thôn 2, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) chia sẻ: Nói lời chút đỉnh là bởi đầu vào (phân bón, xăng dầu, ngày công) cho vườn cây đều tăng gần gấp đôi, khiến người trồng hạn chế đầu tư nên ảnh hưởng ít nhiều đến sản lượng. Theo tính toán, mức đầu tư bình quân cho 1 sào cà phê là 3 bao (loại 50 kg/bao) phân urê hay kali/niên vụ, nếu như trước đây, giá phân bón chỉ trên dưới 500 nghìn đồng/bao thì người làm cà phê chăm bón đầy đủ với định mức ấy, nay giá tăng lên gần 1 triệu đồng/bao nên nhiều người giảm mức đầu tư xuống còn một nửa, khiến sản lượng giảm theo, chỉ được trên 1 tạ (nhân xô)/sào. Bán ra theo giá hiện tại được khoảng 4,5 triệu đồng, trừ mọi khoản chi phí đầu vào, còn lại chừng 2 triệu đồng, chỉ đủ tái đầu tư cho niên vụ sau.
Nông dân huyện Cư Kuin thu hoạch cà phê. Ảnh: Thuận Nguyễn |
Ông Thảo cũng như hầu hết người làm cà phê hiện nay cho rằng, “hàn thử biểu” kia đang phản ánh đời sống của cộng đồng sản xuất, mua bán loại “trái đắng” này theo nhịp điệu khác - ấy là để giữ vườn, giữ rẫy nhằm chờ cơ hội mới, hoặc tìm tòi hướng phát triển phù hợp hơn, chứ không còn là lợi thế để phát triển kinh tế như vài ba thập niên trước. Ví như những năm 1993 -1995 được coi là “thời hoàng kim” của cà phê Việt Nam, ở Đắk Lắk đã có hàng vạn nông hộ khấm khá lên nhờ loại cây trồng mũi nhọn này. Ông Hà Xuân Định (khối 9, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) nhớ lại: Thời đó, dân làm cà phê đầu tư một, thu mười nên giá trị kinh tế mang lại từ loại nông sản ấy quả thật to lớn. Một tấn cà phê có giá 40 - 42 triệu đồng vào thời điểm đó đã tạo nên cuộc sống sung túc, đủ đầy cho người trồng cà phê. Đồng thời, góp phần kích thích mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và đáng kể cho nhiều địa phương có thêm điều kiện để xây dựng và mở mang cơ sở hạ tầng ở vùng nông thôn lẫn thành thị.
Với vị thế chiến lược và giá trị kinh tế to lớn do cà phê mang lại, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định lấy ngày 10/12 hằng năm làm Ngày Cà phê Việt Nam nhằm tôn vinh cộng đồng sản xuất và kinh doanh ngành hàng quan trọng này. |
Tại một số vùng trọng điểm cà phê như Việt Đức, Ea Sim, Trung Hòa, Ea H’Nin (huyện Cư Kuin), Phước An (huyện Krông Pắc); Cư Dliê M’nông, Ea Pốk, Quảng Phú (huyện Cư M’gar), Ea Nam, Ea H’leo, Ea Sin (huyện Ea H’leo), Ea Toh, Dliê Ya, Ea Púk (huyện Krông Năng), Pơng Drang (huyện Krông Búk), Hòa Thuận, Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột)… đời sống của người làm cà phê có sự phát triển vượt bậc. Ở đó, hoạt động sản xuất cà phê đã chi phối, dẫn dắt tâm tư, suy nghĩ của mọi người - và hơn thế, dần hình thành nhịp sống khác biệt với những vùng miền cư dân khác.
Có thể nói, cà phê thật sự đóng vai trò, sứ mệnh quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Đắk Lắk trong nhiều năm qua; nay điều đó có phần hạn chế, vì cây cà phê mất dần vị thế trong bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà. Hy vọng với Đề án tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của Cà phê Việt Nam theo phương châm “Năng suất - Chất lượng - Giá trị - Gia tăng” đến năm 2030 sẽ mở ra điều kiện, cơ hội cho cây trồng đặc sản này lên trở lại vị thế vốn có trước đó, với mục tiêu đặt ra là kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 5 - 6 tỷ USD. Theo đó, đề án cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết là chú trọng nâng cao đời sống cho người trồng cà phê cũng như “hệ sinh thái” liên quan đến loại cây trồng chiến lược này cho vùng trọng điểm Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc