Multimedia Đọc Báo in

Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2021: Kích cầu tiêu dùng sau đại dịch

08:33, 30/12/2021

Với mục tiêu tạo ra một mùa mua sắm trong năm, thêm nhiều ưu đãi cho người tiêu dùng, Bộ Công thương chủ trì tổ chức Chương trình "Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2021" trên phạm vi cả nước, thời gian diễn ra trong một tháng (từ ngày 1/12/2021 đến 1/1/2022).

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông LƯU VĂN KHÔI, Giám đốc Sở Công thương chung quanh chương trình này.

 

Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh bị chững lại. Vậy theo ông, với “Tháng khuyến mãi quốc gia tập trung năm 2021” có phải là cơ hội để làm “nóng” lại thị trường không?

Năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp và khó lường, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và tình hình lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Với vai trò, chức trách của mình, ngành công thương địa phương đã chủ động, kịp thời điều tiết thị trường, linh hoạt thực hiện nhiều biện pháp để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng ngay trong những thời điểm địa phương thực hiện cách ly, giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm lưu thông hàng hóa cơ bản được thông suốt.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn không tránh khỏi tình trạng trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân hạn chế ra đường để phòng dịch. “Tháng khuyến mãi quốc gia tập trung năm 2021” được Bộ Công thương phát động là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Tại Đắk Lắk, thực tế cho thấy, hoạt động kích cầu mua sắm ở thời điểm này rất quan trọng, phù hợp với xu thế mua sắm của người dân phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán 2022. Điều này cũng góp phần làm sôi động lại thị trường, vực dậy sức mua và kích thích tiêu dùng hàng hóa được sản xuất trong nước sau thời gian dài chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh.

Với ý nghĩa trên thì chương trình này được triển khai trên địa bàn tỉnh gồm những hoạt động kích cầu nào, sức lan tỏa ra sao, thưa ông?

Chương trình diễn ra trong một tháng và cho phép doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại tặng quà, giảm giá hàng hóa dịch vụ với hạn mức lên đến 100% thay vì 50% như quy định thông thường. Người tiêu dùng sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi, góp phần kết nối cung cầu, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Chương trình kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống, thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên mọi lĩnh vực.

Một tín hiệu tích cực là "Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2021" đang tạo sức lan tỏa trên địa bàn, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực như tiêu dùng, công nghệ, dịch vụ, điện tử, viễn thông... tham gia. Các siêu thị, doanh nghiệp áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu, với hình thức đa dạng, hấp dẫn. Trong đó, khuyến mãi, giảm giá tập trung ở ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng gia dụng, thời trang, phổ biến nhất là mức giảm 50% ở các trung tâm thương mại như Co.opmart Buôn Ma Thuột, siêu thị Go Buôn Ma Thuột, V-mart Ea Kar... Đối với hàng điện máy, điện lạnh, Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Buôn Ma Thuột tổ chức chương trình ưu đãi lớn nhất trong năm với mức giảm 50%.  Ở lĩnh vực viễn thông, một số doanh nghiệp cũng thực hiện khuyến mãi lên đến 100%, đơn cử như Mobiphone Đắk Lắk thực hiện khuyến mãi 100% thẻ nạp vào một số ngày nhất định trong tháng 12. Tùy vào tình hình địa phương, sau "Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2021", một số doanh nghiệp trên địa bàn sẽ còn linh hoạt kéo dài thời gian khuyến mãi với nhiều ưu đãi để hỗ trợ người tiêu dùng sắm Tết.

Siêu thị Coop.mart Buôn Ma Thuột trưng bày hàng hóa khuyến mãi.

Thưa ông, trong bối cảnh dịch bệnh thì ngành công thương chủ trì, tổ chức thực hiện chương trình như thế nào để vừa bảo đảm an toàn, vừa khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình và an toàn trong công tác phòng, chống dịch, Sở Công thương đã chủ động thông tin, hướng dẫn các thương nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện thủ tục hành chính về xúc tiến thương mại, đăng ký, thực hiện các hoạt động khuyến mãi theo đúng quy định và tăng cường công tác phòng, chống dịch, bảo đảm 5K trong quá trình giao dịch hàng hóa; yêu cầu các doanh nghiệp, siêu thị chuẩn bị chu đáo lượng hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân. Cùng với đó, phối hợp với Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk theo dõi, kiểm tra, xử lý các trường hợp cố tình lợi dụng khuyến mãi để kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm trong dịp này nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ trên thị trường tỉnh tháng 12/2021 đạt  7.783,2 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước. Sức mua trong tháng này tăng mạnh nhờ các chương trình giảm giá, khuyến mãi dịp cuối năm. Thông qua các hoạt động ưu đãi được triển khai, chương trình sẽ góp phần phục hồi kinh tế, bảo đảm kinh doanh an toàn và thúc đẩy tăng trưởng, lưu thông hàng hóa trên thị trường.

*Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lan (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.