Multimedia Đọc Báo in

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm từng bước thoát nghèo

11:00, 22/12/2021

Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo tại chỗ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động đã làm thay đổi tư duy về phát triển kinh tế, từng bước nâng cao cuộc sống của nhiều gia đình hội viên DTTS nghèo ở thị xã Buôn Hồ.

1,5 ha cà phê là nguồn thu nhập duy nhất để bà H’Nghi Niê Kđăm, ở buôn Tring 3 (phường An Lạc) chăm lo cho chồng bị liệt nằm một chỗ hơn 25 năm (vừa mới mất cách đây không lâu) và hai con ăn học. Nguồn thu ít ỏi từ vườn cà phê không đủ trang trải cho cuộc sống của các thành viên trong gia đình.

Bà H’Nghi Niê Kđăm (buôn Tring 3, phường An Lạc) ủ rượu cần bán để tăng thêm thu nhập.

Tháng 12/2020, bà H’Nghi tham gia mô hình “Phụ nữ DTTS kinh doanh, dịch vụ” tại buôn Tring 3 do Hội LHPN thị xã thành lập với 5 thành viên, bà H’Á Niê Kđăm làm trưởng nhóm.

 

“Tháng 8/2020, Hội LHPN thị xã triển khai xây dựng mô hình điểm “Hộ gia đình phụ nữ DTTS phát triển kinh tế trồng xen canh cây ăn trái” tại buôn Gram A2 (xã Cư Bao). Mô hình đã nhân rộng ra 12 xã, phường. Hiện, toàn thị xã có 13 mô hình với 61 hội viên phụ nữ tham gia, quyết tâm thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát triển kinh tế”.

Chị H’Moan Mlô, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ

Nhìn thấy cuộc sống của các thành viên vốn rất khó khăn nay khá lên trông thấy như: bà H’Á Niê Kđăm có ít đất sản xuất nhưng rất khéo tay, chuyển qua bán đồ ăn sáng mang lại thu nhập cao; chị H’Chính Niê Kđok không có rẫy vườn, quanh năm đi làm thuê, nay khá giả nhờ thu mua gừng, nghệ tươi trong vùng rồi bán đi TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng… khiến bà H’Nghi suy nghĩ nhiều về cách phát triển kinh tế để cuộc sống của gia đình mình thay đổi cho bằng chị, bằng em.

Tìm hiểu kỹ, bà H’Nghi thấy nơi mình đang sống chưa có quán tạp hóa nào, bà con muốn mua gì phải đi rất xa, bà quyết định mượn anh em, bạn bè gần 100 triệu đồng mở quán tạp hóa, bán thêm thức ăn chăn nuôi… Bà H’Nghi còn tranh thủ ủ rượu cần, rang xay cà phê bày bán tại quán tạp hóa, được người dân ủng hộ rất nhiều. Sau gần 1 năm phát triển kinh tế theo mô hình này, bà H’Nghi sắp trả hết khoản nợ vay mở quán, cuộc sống dần cải thiện nhờ có nhiều nguồn thu nhập. 

Tương tự, chị H’Lônh Niê (buôn Gram A2, xã Cư Bao) có kinh tế phụ thuộc vào 7,5 sào cà phê, trong đó quá nửa diện tích già cỗi cho năng suất thấp. Chị phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt cho cả gia đình. Tháng 8/2020, Hội LHPN thị xã thành lập mô hình điểm “Hộ gia đình phụ nữ DTTS/có đạo phát triển kinh tế trồng xen canh cây ăn trái” tại buôn Gram A2, với 6 thành viên.

Mô hình phát triển kinh tế trồng xen cây ăn trái của gia đình chị H’Lônh Niê (xã Cư Bao).

Tham gia mô hình, chị H’Lônh được Hội LHPN thị xã tặng 45 cây sầu riêng Dona để trồng xen trong vườn. Chị H’Lônh đã chặt bỏ số cà phê kém năng suất, mua giống cà phê năng suất cao thay thế và trồng xen mít Thái, sầu riêng, hồ tiêu; trong giai đoạn kiến thiết vườn cây, chị còn trồng thêm khoai môn hương, các loại đậu… để có thêm thu nhập, đồng thời làm "giàu" đất. Cuộc sống của 6 thành viên tham gia mô hình tại buôn Gram A2 dần đi vào ổn định. Hội LHPN xã Cư Bao tiếp tục mở rộng mô hình tại các thôn, buôn trên địa bàn xã.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.