Multimedia Đọc Báo in

Tổng kết Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên”

17:02, 21/12/2021

Ngày 21/12, tại TP. Buôn Ma Thuột, Trung tâm Khuyến nông – Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tổng kết Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng xen một số loại cây ăn quả trong vườn cà phê vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2019 – 2021.

Dự án thực hiện tại 4 tỉnh Tây Nguyên, gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng, với 115 ha trồng xen bơ và sầu riêng trong vườn cà phê. Riêng tại Đắk Lắk, trong 3 năm (2019 - 2021), dự án xây dựng được 55 ha trồng xen tại các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’leo và TX. Buôn Hồ, với 55 hộ tham gia.

ảnh
Các đại biểu tham quan mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê ở xã Ea Nam (huyện Ea H'leo)

Dự án đã hỗ trợ mô hình 70% về giống và vật tư phân bón; tổ chức 11 lớp tập huấn, khoa học kỹ thuật hướng dẫn cho các hộ dân tham gia mô hình áp dụng. Tất cả hộ dân tham gia dự án đều nắm được các kiến thức cơ bản về nội dung đã được tập huấn để áp dụng vào việc thực hiện mô hình.

Đến nay, ở các mô hình, cây sầu riêng (giống Dona, Ri6) và cây bơ (giống bơ Booth, TA01) đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống trên 95%. Đối với cây bơ một số diện tích đã cho thu bói; cây sầu riêng đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, phát triển ổn định; cà phê cho năng suất ổn định, đạt trên 3 tấn cà phê nhân/ha. Dự kiến, khi cây ăn quả vào giai đoạn kinh doanh sẽ cho thu nhập của người dân tăng trên 20% so với trồng thuần cà phê, giảm rủi ro về giá khi thị trường nông sản có nhiều biến động…

Được biết, dự án còn tổ chức 6 lớp tập huấn cho 178 lượt người dân ngoài dự án về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả (sầu riêng, bơ…) trồng xen trong vườn cà phê tại TX. Buôn Hồ, huyện Ea H’leo, Krông Năng nhằm phát triển và nhân rộng mô hình trồng này.

Minh Thùy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.