Ngăn chặn nguồn ô nhiễm từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật (Kỳ 2)
Kỳ 2: Giữ sạch những cánh đồng
Hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững, tỉnh Đắk Lắk đang đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp và người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Hiệu quả mô hình bể chứa
Thời gian qua, một số địa phương đã triển khai xây dựng bể chứa rác thải thuốc BVTV trên các cánh đồng, nương rẫy. Huyện Cư M’gar là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện mô hình này từ năm 2014, đến nay đã xây dựng được trên 120 bể chứa rác thải thuốc BVTV tại 17 xã, thị trấn. Theo đó, phần lớn nông dân trên địa bàn huyện đã thay đổi thói quen, không còn vứt bỏ rác thải thuốc BVTV bừa bãi trên các cánh đồng như trước mà đã gom bỏ vào bể chứa.
Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, từ năm 2017 đến nay đã thu gom được hơn 10.398 kg rác thải là bao bì, chai lọ thuốc BVTV từ các bể chứa này. Do trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị chức năng và nơi tiêu hủy rác thải thuốc BVTV nên huyện đã phối hợp với một công ty ở TP. Đà Nẵng để thu gom, vận chuyển đưa đi xử lý theo đúng quy định.
Cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường kiểm tra bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã Quảng Điền (huyện Krông Ana). |
Chị Dương Thị Tuyết Trâm (thôn Tiến Phát, xã Quảng Tiến) chia sẻ, gia đình chị có mấy sào đất trồng cây công nghiệp và ăn quả nên tần suất, liều lượng thuốc BVTV sử dụng hằng năm cũng nhiều hơn so với các loại cây trồng khác. Trước đây, sau mỗi lần sử dụng chị thu gom và xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV bằng cách đào hố để đốt rồi lấp đất lại. Đến năm 2018, khi xã Quảng Tiến được hỗ trợ xây dựng các bể thu gom rác thải thuốc BVTV đặt tại các khu đất hoang ven đường, bên bờ mương… thì sau khi pha thuốc xong gia đình liền gom lại để bỏ vào bể chứa.
Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 721 (huyện Ea Kar) bắt đầu triển khai thực hiện mô hình này từ nhiều năm nay, đến năm 2018 thì thực hiện triệt để bởi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, công nhận sản phẩm lúa gạo của công ty đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, công ty có 8 địa điểm thu gom, gồm 4 bể đặt tại các khu vực trồng cà phê và 4 bể đặt tại các cánh đồng lúa. Định kỳ hằng năm, công ty thuê đơn vị chuyên về xử lý rác thải đến từng điểm thu gom và đưa đi xử lý theo quy định với chi phí chỉ từ 2 - 3 triệu đồng/năm.
Vẫn còn những bất cập
Việc xây dựng bể thu gom rác thải thuốc BVTV mang lại nhiều lợi ích, nhưng thực tế số địa phương, đơn vị thực hiện chưa nhiều, nhiều nơi việc thực hiện còn gặp những vướng mắc. Đơn cử, số lượng bể chứa tại một số xã đã triển khai còn ít so với nhu cầu của nông dân và một số bể xây dựng không đúng theo quy chuẩn mà cơ quan chức năng đã ban hành.
Mặc khác, do thiếu kinh phí, nhân lực nên một số địa phương chưa định kỳ tổ chức thu gom để vận chuyển, đưa đi xử lý kịp thời dẫn đến tình trạng loại rác thải nguy hại này tồn đọng tại các bể chứa trong thời gian dài, gây mất mỹ quan, bốc mùi hôi thối. Có nơi, đơn vị xử lý chỉ thu gom tại một điểm tập trung nên địa phương phải huy động nguồn nhân lực tại chỗ thu gom từ bể về điểm tập kết. Trong khi đó, lực lượng này lại chưa được trang bị đồ bảo hộ lao động chuyên dùng, thiếu kiến thức an toàn nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật của Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 721 (huyện Ea Kar) chứa lẫn lộn rác thải thông thường. |
Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Đrơng (huyện Cư M’gar) cho biết, đơn vị thu gom đưa đi xử lý chỉ tiến hành thu gom tại địa điểm tập trung với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy năm. Địa phương phải huy động lực lượng thanh niên tình nguyện tham gia thu gom loại rác thải từ các bể về với sự hỗ trợ kinh phí mang tính chất tượng trưng 5.000 đồng/kg .
Một vấn đề đáng quan tâm ở đây nữa là tại một số bể chứa, do người dân thiếu ý thức nên vẫn còn diễn ra tình trạng bỏ rác thải thông thường sau sử dụng hoặc sản xuất, vệ sinh đồng ruộng vào các bể chứa chiếm dụng chỗ để của rác thải thuốc BVTV…
Giải pháp cấp thiết để bảo vệ môi trường
Thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV là vấn đề vẫn thường được nhắc đến lâu nay, nhất là trong các chương trình phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững. Thông tư 05 liên bộ NN-PTNT và Tài nguyên - Môi trường đã quy định rất chi tiết về vấn đề cách thức thu gom, xử lý cũng như trách nhiệm người sử dụng thuốc BVTV... Nhưng vì nhiều lý do như đã đề cập ở trên mà việc triển khai thực hiện vẫn còn khá chậm.
Để nhân rộng mô hình cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về vấn đề này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 9989/KH-UBND, ngày 13/10/2021 về việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (Kế hoạch số 9989).
Ông Lê Văn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho rằng, việc triển khai Kế hoạch số 9989 cũng như sự quyết tâm của lãnh đạo UBND tỉnh và ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy chính quyền địa phương các cấp vào cuộc quyết liệt xử lý rác thải thuốc BVTV. Bởi Đắk Lắk là tỉnh có nền kinh tế chủ lực từ các loại cây công nghiệp và đa số được trồng xen canh nên nhu cầu sử dụng thuốc BVTV cũng tăng theo. Nếu không thu gom, xử lý triệt để theo quy định thì lượng rác thải này sẽ gây ô nhiễm môi trường, tồn dư trong đất, ảnh hưởng đến môi trường sống và chất lượng nông sản.
Đắk Lắk có địa hình đồi núi phức tạp, diện tích đất nông lâm nghiệp lớn, nằm rải rác nên việc bố trí, lắp đặt các bể chứa rác thải thuốc BVTV sẽ gặp những khó khăn, cần nguồn kinh phí đáng kể. Do đó, ngoài việc các địa phương sớm phân bổ, bố trí kinh phí từ ngân sách thì cần phải huy động đơn vị sản xuất, phân phối thuốc BVTV cũng như xã hội hóa công tác này để vận động các nguồn tài trợ. Khi gắn quyền lợi với trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp thì việc thu gom mới thực sự hiệu quả và duy trì ổn định, lâu dài. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc thu gom, xử lý loại rác thải này theo quy định.
Trước mắt, các ngành chức năng và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về cách sử dụng thuốc, cách thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV. Cụ thể là ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học, sử dụng thuốc “4 đúng”, thực hiện súc rửa chai lọ, bao bì đổ vào bình để phun nhằm tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế lượng thuốc dư thừa thải ra môi trường xung quanh…
Theo Kế hoạch số 9989 của UBND tỉnh, đến năm 2023 các địa phương cơ bản hoàn thiện việc xây dựng, lắp đặt, cải tạo hệ thống các bể chứa, khu lưu chứa theo quy định của Thông tư 05, bảo đảm cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến năm 2025, khối lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng phải được thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy đúng quy định đạt 100%. |
Thúy Hường
Ý kiến bạn đọc