Multimedia Đọc Báo in

Nông sản Đắk Lắk lên sàn đi qua "bão"

09:39, 02/02/2022

Dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng hàng hóa khiến nông sản bị ứ đọng ở nhiều địa phương, việc thương mại sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản bị ngưng trệ. Trong hoàn cảnh đó, lựa chọn bán hàng trên nền tảng số đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người nông dân vượt qua được "cơn bão" COVID-19. 

Năm 2021 thị trường trái cây ở Đắk Lắk gần như “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung - cầu, lưu thông bị gián đoạn nhiều nơi. Đối với mặt hàng chủ lực là cà phê cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các quy định siết chặt cửa khẩu biên giới và giãn cách xã hội trên toàn cầu.

Các doanh nghiệp cà phê đầu tư hình ảnh và chất lượng sản phẩm để thu hút khách hàng trên sàn thương mại điện tử (Trong ảnh: Sản phẩm cà phê của Công ty TNHH MTV ANH Coffee) .

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tỉnh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) tổ chức chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên hai sàn thương mại điện tử là sendo.vn và voso.vn. Đồng thời, làm việc với các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại toàn quốc (hệ thống siêu thị Lotte, Big C, Vincom, Mega Market, Co.opmart…), các đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh. Với sự nỗ lực đó, Đắk Lắk đã tiêu thụ cơ bản sản lượng sầu riêng và bơ trong vụ thu hoạch, khoảng 127 nghìn tấn.

Đối với mặt hàng cà phê, các doanh nghiệp, HTX cũng chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử. Ông Lê Đình Tư, Giám đốc Công ty TNHH MTV MINUDO Farm-Care cho hay, khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ hai, việc thương mại sản phẩm gặp khó khăn trong khâu vận chuyển và phải tạm dừng hoạt động các quán cà phê. Do đó, công ty đã lựa chọn đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki, Shopee, Sendo và sắp tới là Alibaba, đồng thời thiết kế thêm một trang web mới để thúc đẩy bán hàng. Hiện tại, các sản phẩm cà phê mang thương hiệu Aeroco trên các sàn có lượng đơn hàng rất tốt. Điều này đã giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trở lại trạng thái bình thường.

“Thương mại điện tử là một bước ngoặt để thay đổi, giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí. Trong tương lai thì khách hàng sẽ mua trực tiếp từ nhà sản xuất nhiều hơn là đi đến các nơi công cộng. Bởi hiện nay mọi người đều sử dụng các thiết bị thông minh và họ sẽ thay đổi hành vi tiêu dùng cũng như lối sống. Các doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cũng phải tâm huyết, yêu quý sản phẩm của mình để mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất ở tất cả các khâu”, ông Tư chia sẻ.

Chính nhờ chủ động chuyển hướng bán hàng theo kênh thương mại điện tử mà khá nhiều doanh nghiệp cà phê đã vượt được “bão” COVID-19, ổn định tình hình sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Điều này cũng đã góp phần đưa sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2020 - 2021 của Đắk Lắk tăng hơn niên vụ trước. Cụ thể, sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 201.393 tấn, tăng 6.146 tấn; kim ngạch xuất khẩu hơn 366 triệu USD, tăng hơn 34 triệu USD. Trong khi xuất khẩu cà phê của cả nước niên vụ 2020 - 2021 đều giảm về sản lượng và giá trị.

Thực tế cho thấy, thương mại điện tử là giải pháp khơi thông điểm nghẽn trong lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh về tài chính, con người thì mới tiếp cận nhanh chóng và bán sản phẩm thành công trên các sàn thương mại điện tử. Chính vì vậy, để hỗ trợ cho nhóm sản xuất yếu thế hơn như các doanh nghiệp nhỏ, HTX, hộ sản xuất, Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tiếp cận sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh.

Vận chuyển các lô hàng cà phê trong kho của Công ty Simexco Đắk Lắk.

Theo đó, Đắk Lắk đã tập trung hỗ trợ hộ SXNN xây dựng gian hàng số; tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ năng số, kỹ năng tham gia hoạt động trên môi trường số; hướng dẫn thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn thương mại điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc và vận động hộ SXNN áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…

Ngoài ra, các sở, ngành cũng có nhiều chương trình tập huấn hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại. Đây là điều kiện thuận lợi để các HTX, cơ sở sản xuất nông sản từng bước làm quen với việc bán hàng trên kênh thương mại điện tử. Hiện nay, các nông sản chủ lực của tỉnh hầu hết đã tiếp cận được các sàn thương mại điện tử, phần nào tháo gỡ được khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, để bán hàng thành công thì các chủ thể sản phẩm cần chủ động và năng động trong việc bán hàng, chăm sóc khách hàng nhằm duy trì và phát triển lượng khách hàng trong không gian số.

Minh Thuận - Tuệ Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.