Multimedia Đọc Báo in

Thảnh thơi... như nông dân hôm nay

09:37, 02/02/2022

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay không còn phải tất bật, “chân lấm, tay bùn” với ruộng đồng mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn nhiều so với trước. 

Khi máy móc thay sức người

Nghề trồng lúa ra đời từ rất sớm, giúp con người có cuộc sống ổn định hơn, ấm no hơn, song cũng là nghề vất vả nhất. Đó là chuyện của nhiều năm trước, với bà con nông dân làm lúa ở xã Buôn Triết (huyện Lắk) giờ đây đã không còn phải thức dậy từ lúc gà chưa gáy, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và rồi đến tối mịt mới lọ mọ từ đồng về đến nhà.

Ông Đoàn Văn Ương với thiết bị máy bay không người lái dùng để phun thuốc trừ sâu.

Ông Đoàn Văn Ương - một lão nông tri điền ở thôn Buôn Tung 1 có hơn 3 ha lúa nước, nhưng khá đủng đỉnh với công việc đồng áng. Mỗi buổi sáng, ông thong dong “làm” ly cà phê sau khi ăn sáng rồi mới thong thả ra đồng làm việc, mà cũng chẳng có việc gì nặng nhọc cả. “Làm lúa bây giờ làm chơi... mà ăn thật. Không còn “đánh vật” với nhổ mạ, gieo mạ, làm đất, cấy lúa, nhổ cỏ, phun thuốc, gặt đập nữa, mọi thứ đã có máy móc làm hết rồi”, lão nông 73 tuổi hào sảng nói khi đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng. 

Ngày trước để thu hoạch 1 ha lúa, gia đình ông Ương phải mất từ 4 - 5 công lao động, còn giờ với chiếc máy gặt đập liên hợp chạy ro ro vài đường trong một giờ là lúa đã đóng đầy bao, được tập kết tại một góc ruộng thuận lợi cho việc vận chuyển thóc đi. Nếu không muốn đưa lúa về nhà cất, đã có thương lái thu mua tận ruộng, đúng kiểu “tiền tươi, thóc thật”. Hay như việc phun thuốc cũng vậy, thuê công phun thuốc giá 75.000 đồng/sào, còn thuê thiết bị bay phun thuốc chỉ mất 25.000 đồng/sào. “Tội gì không thuê máy móc làm cho khỏe, vừa tiết kiệm chi phí lại không làm ảnh hưởng đến sức khỏe đúng không?”, ông Ương hỏi chúng tôi.

Nhìn chúng tôi “mắt tròn, mắt dẹt”, ông liền hạch toán: “Trước đây mỗi ha lúa, tôi tốn không dưới 20 triệu đồng thuê công làm đất, gieo sạ, bón phân, làm cỏ, chưa kể hơn 5 triệu đồng thuê người cắt, vận chuyển, xay xát, nhưng nay chỉ mất một nửa tiền thuê, năng suất lúa cao gấp đôi so với trước, tầm độ 10 - 12 tấn”. Nhờ đó mà nhiều gia đình trong xã đã trở thành triệu phú nhờ trồng lúa, nhưng rất thảnh thơi.  

Không riêng với cây lúa, nhiều hộ trồng cà phê trong tỉnh không còn thấp thỏm “trông trời, trông đất, trông mây” sau khi ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, đang dần thay đổi phương thức canh tác để thích ứng với biến đổi khí hậu. Cây cà phê có thời gian “ngậm nước” nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm, thay vì “no dồn, đói góp” khi được dí ống nước vào gốc trong một vài phút; và được bao bọc bởi hệ thống nhà màng để tránh nắng mưa khi thu hoạch...

Anh Cao Văn Trưởng ở xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 1 ha cà phê quyết định đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng với diện tích hơn 500 m2 và mua sắm nhiều máy móc công nghệ hiện đại, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng thực hiện quy trình khép kín từ lựa chọn nguyên liệu, phơi, rang, xay để cho ra sản phẩm cà phê chất lượng. Trang trại được thiết kế theo hệ thống nhà kính, chế biến ngay sau khi thu hái về, lên men trong phòng lạnh từ 24 - 48 giờ rồi phơi khô trong nhà kính. Sau đó được rang, xay bảo đảm quy trình kỹ thuật rồi đóng gói cẩn thận trước đưa ra thị trường. “Vào mua thu hái chúng tôi không còn phải lăn tăn chuyện nắng mưa, cà phê hái về không phơi phóng, bị ẩm mốc nữa”, anh Trưởng cho hay. 

Anh Cao Văn Trưởng sử dụng các thiết bị, máy móc hiện đại trong thu hoạch và chế biến cà phê.

Xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại

Đất đai rộng lớn, màu mỡ; điều kiện khí hậu phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của đa số các loại cây trồng, vật nuôi - Đắk Lắk là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Việc đẩy mạnh ứng dụng KHKT vào sản xuất đã được các cấp, ngành, đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh chú trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích canh tác. Nông dân đã từng bước áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, cho đến bảo quản và chế biến nông sản... 

Bà con nông dân không còn đơn độc bởi Hội Nông dân các cấp đã thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo hỗ trợ nhà nông tiếp cận tiến bộ KHKT; tổ chức tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn. Thông qua chuyển giao KHKT, bà con nông dân được trang bị thêm kiến thức cơ bản trong chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông dân giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời bảo vệ sức khỏe của họ cũng như môi trường. Cùng với đó, việc sử dụng thiết bị, công nghệ hiện đại tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tuy nhiên ở tỉnh ta việc áp dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế do chi phí ban đầu khá cao và không phải nông dân nào cũng đủ kiến thức, kỹ năng để áp dụng mà đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu. Chính vì vậy nên nhiều nông dân vẫn còn băn khoăn việc bỏ chi phí đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất liệu có mang lại hiệu quả như mong đợi, do đó còn chưa mạnh dạn.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.