Multimedia Đọc Báo in

Chống thất thu ngân sách nhà nước: Những giải pháp đồng bộ

08:40, 03/03/2022

Tình hình kinh tế cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Để bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), bên cạnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, công tác quản lý các nguồn thu, chống thất thu và thanh tra, kiểm tra là những nhiệm vụ trọng tâm được ngành thuế chú trọng.

Năm 2021, ngành thuế của tỉnh đã kiểm tra 13.856 hồ sơ khai thuế, qua đó, tăng thu vào NSNN hơn 9,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với 1.162 doanh nghiệp, qua đó truy thu và xử phạt, tiền chậm nộp là 26,4 tỷ đồng. Đối với công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, các chi cục thuế đã tập trung đôn đốc thu nợ cũ, nợ phát sinh và số thuế hết thời gian gia hạn nộp. Toàn ngành đôn đốc thu nợ được 502 tỷ đồng, thu và xử lý nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của hộ gia đình, cá nhân là 226,8 tỷ đồng; khoanh nợ 78,8 tỷ đồng, xóa nợ 56,7 tỷ đồng...

Cán bộ thuế hỗ trợ, giải quyết thủ tục về thuế cho người dân huyện Krông Pắc.
 
Ngành thuế cần chủ động rà soát, phân tích, đánh giá những lĩnh vực, ngành nghề hoạt động kinh doanh còn dư địa tăng thu như: thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản… để nghiên cứu, xây dựng, các đề án mới về chống thất thu thuế, nhằm góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước” .
 
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Năm 2022, chỉ tiêu thu ngân sách của tỉnh là 8.330 tỷ đồng, trong đó, thu thuế và phí 4.700 tỷ đồng, thu từ biện pháp tài chính 2.924 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 706 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đôn đốc và chống thất thu NSNN tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, các cấp trong đôn đốc thu thuế và chống thất thu; xác định nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị có liên quan đến công tác đôn đốc thu thuế và chống thất thu; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của các tổ chức, cá nhân; tăng cường rà soát, khai thác các nguồn thu còn tiềm năng nhằm tăng thu ngân sách; tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người nộp thuế.

Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành, triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Cùng với đó, ngành thuế cần chủ động phối hợp với cơ quan công an trong việc ngăn chặn, xử lý các doanh nghiệp mua bán hóa đơn, nhằm hạn chế tình trạng dùng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa thuế đầu vào và tài nguyên khai thác trái phép; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và xử lý các trường hợp khai thác trái phép, gian lận trong kê khai nộp thuế, thực hiện hóa đơn chứng từ trên khâu lưu thông.

Giải quyết thủ tục nộp lệ phí trước bạ về đất đai tại Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Duy

Về phía ngành thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn cho biết, để tăng nguồn thu, hạn chế thất thu ngân sách, ngành thuế sẽ tập trung quản lý thuế theo rủi ro, bám sát bộ tiêu chí rủi ro, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế tại địa bàn; phân tích, phân loại đối tượng để giám sát, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng mua, bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; tập trung kiểm soát hoàn thuế giá trị gia tăng, giao dịch liên kết, chống chuyển giá, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản; phối hợp với các ngành liên quan, kiểm tra thực địa các dự án đầu tư nhằm phát hiện các sắc thuế có liên quan phát sinh trong quá trình thực hiện của chủ đầu tư. Trong công tác thanh, kiểm tra, ngành thuế tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, kiểm tra, giám sát 100% hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế đối với tất cả hồ sơ khai thuế.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.