Multimedia Đọc Báo in

Dẹp "loạn" đất nông nghiệp (Kỳ 1)

08:18, 30/03/2022

Thời gian gần đây, hoạt động mua bán, xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp tại TP. Buôn Ma Thuột diễn ra tràn lan. Tình trạng này không chỉ kéo theo những hệ lụy trước mắt mà còn nguy cơ dẫn đến hậu quả về lâu dài. Vấn đề đặt ra ở đây là cơ quan chức năng địa phương cần tăng cường công tác quản lý, thực hiện quy hoạch đất đai và chấn chỉnh trật tự đất đai, xây dựng.

Kỳ 1: Lộn xộn mua bán, xây dựng trên đất nông nghiệp

Thời điểm này, tình hình giao dịch đất đai tại TP. Buôn Ma Thuột nhộn nhịp chưa từng thấy. Bên cạnh nhà ở, đất thổ cư, thì đất nông nghiệp ở vùng ven, nhất là những lô đất có view (tầm nhìn) đẹp cũng được giao dịch rầm rộ. Nhiều khu đất bị cắt xẻ, chia lô để sang nhượng, xây dựng trái phép.

Giá đất nông nghiệp "nhảy múa"

Trên các diễn đàn, trang mạng, có hàng loạt thông tin giới thiệu bán đất sào view hồ, suối, núi… Mặc dù là đất nông nghiệp nhưng những lô đất này lại được rao bán với giá cao ngất ngưởng.

Trong vai khách hàng tìm đất sào diện tích nhỏ để làm vườn, chúng tôi vào một diễn đàn về nhà đất trên Facebook và nhanh chóng tìm được rất nhiều thông tin về sản phẩm đang tìm hiểu.

Một “cò” đất dẫn chúng tôi đi xem lô đất nông nghiệp tại thôn 8, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, diện tích 1,5 sào. Lô đất cách trung tâm thành phố chừng 15 km, trong đó có khoảng 5 km là đường cấp phối rộng 3 m chạy ngoằn nghèo, lởm chởm đá. Đây là đất rẫy mới được một “nhà đầu tư” ủi gốc cà phê, đóng mấy trụ bê tông và kéo dây kẽm sơ sài, được hô giá gần 500 triệu đồng.

Chúng tôi chê đất xa, xấu, giá cao thì được trấn an: “Khu vực này gần đập thủy lợi, giá như thế là rẻ rồi, anh chị cứ mua về, trồng cây lên là có giá liền. Xã này mà đất đẹp, gần khu dân cư thì giá tiền tỷ một sào, đất có view thì người ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đến tìm mua”.

Một khu đất nông nghiệp tại buôn Kom Leo, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) bị san ủi, làm biến dạng. Ảnh: Tài Đại

Cũng tại xã Cư Êbur, chúng tôi cùng một “cò” đất khác đi xem lô đất rẫy phía sau khu dân cư. Lô đất này đã được dọn mặt bằng, đóng cọc với diện tích 500 – 600 m2/thửa, mấy chục mét đường phía trước cũng mới được đổ bê tông rộng 3 m. Đây là đất đỏ pha sỏi, chưa có điện, giếng khoan nhưng mỗi thửa đất ở đây được hô giá 500 triệu đồng/thửa. “Anh chị làm nhà vườn thì diện tích này là đẹp rồi. Những khu đất rộng, vị trí đẹp thì giá tiền tỷ mà người ta cũng đã mua làm view hết rồi”, người môi giới cho biết.

 
Nhiều hộ dân tộc thiểu số có đất nông nghiệp kèm ít đất thổ cư đã đem bán vì thấy đất giá cao. Cũng có trường hợp người dân chia hết đất ở cho con, phải lui vào phần đất rẫy để làm nhà và vi phạm, buộc phải xử lý. Địa phương thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành tốt quy định về đất đai, xây dựng, những trường hợp vi phạm thì tự nguyện tháo dỡ".
 
Chủ tịch UBND xã Ea Kao Phan Văn Trường

Khảo sát thực tế tại các xã Ea Tu, Ea Kao, Hòa Khánh…, đất nông nghiệp cũng được rao bán rầm rộ với giá cao ngất ngưởng. Cụ thể, đất nông nghiệp tại các xã Ea Kao, Hòa Khánh dao động từ 200 – 600 triệu đồng/sào, thậm chí 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/sào; tại xã Hòa Thắng 300 – 500 triệu đồng/sào; tại xã Ea Tu, Hòa Thuận từ 350 – 700 triệu đồng/sào, có khu vực lên đến 1 tỷ đồng/sào.

Ủi đường phân lô, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Bên cạnh sang nhượng, mua bán đất nông nghiệp tràn lan, tình trạng cắt xẻ, mở đường phân lô, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp cũng diễn ra khá phổ biến tại TP. Buôn Ma Thuột. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn thành phố phát hiện 205 trường hợp xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp làm một cách lén lút, chưa bị phát hiện, xử lý.

Lô đất rẫy tại thôn 8, xã Cư Êbur diện tích 1,5 sào được rao bán gần 500 triệu đồng.

Tình trạng đáng lo ngại trong thời gian gần đây là việc xâm phạm đất nông nghiệp và tự ý mở đường phân lô sai quy định trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Cụ thể, tại xã Hòa Thắng, ông Ph.N.D. đã san ủi, làm biến dạng khu đất nông nghiệp tại buôn Kom Leo, với tổng diện tích hơn 11.500 m2.

Tại khu vực Đồi Chuối (phường Tân Lợi) cũng không hiếm trường hợp san ủi, xây nhà trên đất nông nghiệp. Theo đó, một số người mua đất rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số rồi sang tên, san ủi đường, rải đá dăm và phân thành nhiều lô khác nhau.

Đơn cử như bà H.T. P. đã mua lô đất rộng khoảng 5 sào, sau đó làm 4 con đường xung quanh nối ra một con đường tự phát đã được làm trước đó của các lô đất nông nghiệp, có nhà xây trái phép trên đất.

Tương tự, tại thôn 7, xã Cư Êbur, nhiều lô đất nông nghiệp được “quy hoạch” những đường xương cá, tạo thành ô bàn cờ để bán đất. Tại một số khu vực, đường điện đã được kéo đến nơi để phục vụ việc xây dựng nhà cửa.

Tình trạng tự ý mở đường phân lô trên đất nông nghiệp, xây dựng trái phép trên đất rẫy đã xuất hiện từ nhiều năm nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Một số khu vực trở thành “điểm nóng” về trật tự đất đai, xây dựng. Những năm trước tình trạng này diễn ra nhiều, sau đó được địa phương siết chặt, chấn chỉnh nên tạm lắng xuống thì thời gian gần đây tái diễn phức tạp trở lại.

(Còn nữa)

Kỳ 2: “Bong bóng” đất nông nghiệp và những cảnh báo

Nhóm PV kinh tế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.