Multimedia Đọc Báo in

Giá xăng, dầu tăng đẩy chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tăng

08:56, 03/03/2022

Chỉ hơn một tháng sau Tết Nguyên đán, giá xăng dầu lập đỉnh mới, giá gas cũng biến động tăng, càng tạo thêm áp lực tăng giá cho hàng hóa. Chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Thị trường đang chịu sức ép lớn từ việc biến động của giá xăng dầu. Giá hàng hóa tăng càng tạo áp lực đến nguy cơ lạm phát năm 2022.

“Gồng mình” giữ giá

Theo nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giá nguyên liệu nhập vào để chế biến thực phẩm đang rục rịch tăng theo giá xăng. Ông Trương Bá Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất bánh mì Hà Nội cho hay, giá các loại bột làm bánh, bao bì hiện đã tăng từ 10 - 20%. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến DN chế biến.

Sau đợt tăng giá mới đây nhất của xăng dầu vào ngày 1/3, ông cũng nhận được đề nghị sẽ tăng giá nguyên liệu đầu vào từ một số nhà cung ứng ở TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường sau Tết trầm lắng hơn hẳn mọi năm, doanh số bán ra hiện đã giảm đến 30%. Ông tìm cách cân đối lại sản xuất, giảm lợi nhuận chứ chưa dám tăng giá các sản phẩm bán ra, nhưng chưa biết sẽ “gồng” được đến khi nào.

Nhiều loại hàng hóa trên thị trường đang rục rịch thiết lập mức giá tăng mới.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giá nhiều mặt hàng đã tăng từ 10 - 20% từ hơn hai tuần nay. Bước sang đầu tháng 3, xăng dầu tiếp tục lập đỉnh giá mới, chi phí vận chuyển tăng gần gấp đôi so với trước Tết, nhưng sức mua yếu khiến tiểu thương phải cố giữ giá bán một số mặt hàng để cạnh tranh. Nhiều tiểu thương cho biết, hàng hóa ở chợ bán không “chạy hàng” trong vài tuần gần đây, sức tiêu thụ rất chậm.

Chị Đinh Thị Phước, bán hàng khô tại chợ trung tâm Buôn Ma Thuột cho hay, dịch bệnh nên lượng khách giảm đi nhiều, vì vậy, kinh doanh thời điểm này, chị không đặt lợi nhuận lên hàng đầu nữa mà làm sao để gắng gượng giữ chân khách hàng, nhất là các khách sỉ. Tuy nhiên, giá nhập vào vẫn tăng mỗi ngày, tiểu thương có cố trì hoãn việc tăng giá thì cũng khó hoãn được lâu.

Theo đại diện Siêu thị MM Mega Market Buôn Ma Thuột, từ giữa tháng 2, một số nhà cung cấp đã đề nghị tăng giá bán từ 5 - 10% đối với các ngành hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến. Siêu thị đang cố gắng thương lượng lại với các nhà cung cấp để kéo dài thời gian giữ giá cũ hoặc điều chỉnh tỷ lệ tăng giá hợp lý nhất để kéo sức mua. Cùng với đó, siêu thị cũng tận dụng lượng hàng dự trữ để duy trì mức giá ổn định cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, lượng dự trữ này cũng chỉ có thể duy trì mức giá tốt cho khách hàng trong vòng một tháng đối với hàng hóa phi thực phẩm, thực phẩm chế biến.

Tác động đến chỉ số giá tiêu dùng

Cục Thống kê tỉnh thông tin, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng 2/2022 tăng 1,05% so với tháng trước. Giá xăng tăng theo xu hướng tăng của thế giới, giá vàng tăng, lương thực, thực phẩm tăng cộng với nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao là những nguyên nhân làm cho CPI tháng 2 trên địa bàn tỉnh tăng so với trước đó.

Ông Đỗ Tấn Xuân, Cục trưởng Cục Thống kê phân tích: Xăng dầu được coi là mặt hàng chiến lược trong sản xuất, tiêu dùng. Giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, vận chuyển, giá đầu vào của nhiều ngành hàng, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường tăng theo. Trong tháng 2, xăng dầu điều chỉnh giá 2 lần làm cho chỉ số giá nhóm giao thông tăng đến 2,96%, điều này đã tác động đến CPI .

Sức mua tại các siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn khá trầm lắng và giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính của tháng 2, có đến 9 nhóm tăng giá so với tháng trước, 1 nhóm giảm và 1 nhóm giữ ổn định. Trong 9 nhóm hàng tăng giá, tăng cao nhất là nhóm giao thông, với mức 2,96%, tập trung vào giá xăng tăng hơn 5,7%, giá dầu tăng 8,25%. 

Xét trong chi tiêu của người dân, nhóm giao thông; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng là những nhóm thiết yếu, có tỷ trọng tiêu dùng lớn. Cùng với đà tăng của nhóm giao thông thì nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2 ghi nhận mức tăng 1,96% do các loại lương thực, thực phẩm tăng như giá gạo, bún tươi, miến, thịt lợn, bò và một số giá rau, đậu… đều tăng so với tháng trước. Trong đó, lương thực có chỉ số tăng 1,69%, thực phẩm tăng 2,3%, giá thịt heo tăng 7,9%...  Ở nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng có mức tăng 0,42% so với tháng trước, cụ thể, giá gas tăng 3,46%, điện sinh hoạt tăng 0,29%, nước máy sinh hoạt tăng 0,24%...

Theo các chuyên gia kinh tế, để kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và tránh nguy cơ lạm phát vào cuối năm 2022, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; chủ động trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp. Đặc biệt, liên bộ Công thương - Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu hợp lý để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này đến CPI chung.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.