Giảm thuế VAT: Lợi thì có lợi...
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị định 15), quy định giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022. Lợi ích của chính sách này là rất lớn, nhưng việc triển khai thực hiện vẫn còn một số bất cập.
Nơi giảm, nơi không
Sau gần hai tháng giảm thuế VAT theo Nghị định 15, ghi nhận ở những siêu thị, công ty, cửa hàng… có xuất hóa đơn rõ ràng thì người tiêu dùng đã được hưởng ưu đãi này.
Cụ thể, tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT.
Tương tự, Siêu thị Go Buôn Ma Thuột cũng đã điều chỉnh giá đối với các mặt hàng thuộc diện được giảm thuế trên hệ thống tính tiền và bảng giá niêm yết của siêu thị đối với gần 20.000 sản phẩm. Việc các đơn vị kinh doanh, dịch vụ thực hiện giảm thuế VAT đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Hiền (khối 5, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, vừa qua chị đi Siêu thị Go để mua đồ ăn và một số vật dụng cho gia đình, khi nhận hóa đơn tính tiền đã được liệt kê rõ mặt hàng chịu thuế VAT 8%. Với mức giảm thuế này, đối với một cá nhân thì có vẻ không nhiều nhưng chị vẫn cảm thấy vui, còn với toàn xã hội thì chính sách này sẽ mang lại lợi ích rất lớn.
Việc giảm thuế VAT chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là tại các quán tạp hóa, chợ truyền thống. Trong ảnh: Người dân mua bán tại một chợ dân sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Trong khi đó, tại nhiều cửa hàng tạp hóa, quán ăn (quy mô vừa và nhỏ), chợ dân sinh thì người bán hầu như không xuất hóa đơn, thậm chí một số chủ hàng cũng chẳng biết đến việc giảm thuế VAT. Ghi nhận thực tế, giá cả hàng hóa tại những địa điểm này không những không giảm mà còn tăng lên từ khoảng một tháng nay vì "ăn theo" giá xăng dầu tăng. Do đó, trước tình trạng này, người tiêu dùng nên mua hàng ở những siêu thị, cửa hàng lớn có xuất hóa đơn rõ ràng để được hưởng chính sách ưu đãi về thuế.
Doanh nghiệp còn lúng túng
Qua tìm hiểu cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn lúng túng, vướng mắc khi xuất hóa đơn cho người tiêu dùng theo chính sách giảm thuế VAT. Chủ một doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột) phản ánh, trước đây hầu hết các sản phẩm đều có VAT là 10%, đơn vị chỉ cần tìm hàng, báo giá, giao hàng, xuất hóa đơn, thủ tục chứng từ rất nhanh gọn. Nhưng từ khi Nghị định 15 ra đời, doanh nghiệp phải tìm hiểu sản phẩm đó thuộc nhóm hàng gì, mã ngành gì, có được giảm thuế hay không, vừa phải trao đổi bên mua vừa thống nhất bên bán. Chưa kể, có trường hợp cùng một loại hàng hóa nhưng nhà cung cấp mỗi nơi áp dụng một mức thuế VAT khác nhau nên doanh nghiệp rất lúng túng.
Cán bộ thuế hướng dẫn quy định cho người nộp thuế tại huyện Cư M'gar. |
Theo quy định của Nghị định 15, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ có thuế VAT 8%. Trường hợp không lập hóa đơn riêng sẽ không được giảm thuế VAT. Như vậy, cơ sở kinh doanh phải tách hóa đơn cho những mặt hàng, dịch vụ được giảm thuế. Vướng mắc lớn nhất đối với doanh nghiệp là việc xác định thuế suất hàng hóa. Ví dụ đối với dịch vụ ăn uống, có cơ sở kinh doanh xuất hóa đơn với thuế VAT là 8%, cũng có trường hợp tính 10% vì khách có dùng cả rượu, bia - những mặt hàng không được giảm thuế VAT. Do vậy, họ phải tách hóa đơn riêng cho rượu bia với thuế VAT là 10%, còn đồ ăn là 8%.
Cũng có một số doanh nghiệp không nắm rõ mặt hàng kinh doanh có thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng hay không và gặp vướng mắc, khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh, mã hàng hoá khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm trong vấn đề áp dụng thuế suất VAT đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các doanh nghiệp sản xuất.
Cục trưởng
Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn |
Theo một phụ trách kế toán thuế cho một số doanh nghiệp tư nhân tại TP. Buôn Ma Thuột, với doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, kế toán phải xử lý, phân loại mất nhiều thời gian. Chưa quen với mức thuế mới nên cũng sợ sai sót thì sau này doanh nghiệp bị phạt bị truy thu.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn cho biết, với Nghị định 15 là lần đầu tiên thuế VAT được giảm đồng bộ từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến gia công, tiêu dùng. Sau khi có chính sách này, Cục Thuế tỉnh đã có văn bản triển khai trong toàn ngành và tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập tổ thường trực tiếp nhận, xử lý thắc mắc của doanh nghiệp, những trường hợp người nộp thuế còn lúng túng sẽ được trả lời, hướng dẫn bằng văn bản giấy. Bên cạnh đó, cán bộ thuế sẽ bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương giảm thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc