Multimedia Đọc Báo in

Giúp phụ nữ phát triển kinh tế từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

07:22, 22/03/2022

Với cách làm thiết thực, phù hợp, Hội LHPN xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) đã giúp hội viên thay đổi tư duy về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bà H’Wôn Niê, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tul cho biết, thực hiện cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS)”, Hội LHPN xã đã cụ thể hóa nội dung sát với tình hình thực tiễn và phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương. Cụ thể, huy động các nguồn lực hỗ trợ, khảo sát nhu cầu của hội viên, đặc biệt là các hộ khó khăn để tiến hành vận động chị em thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp (như cải tạo vườn tạp, chăn nuôi dê sinh sản, bò, gà…) Trong đó, mô hình nuôi dê sinh sản được nhiều chị em lựa chọn bởi dê sinh sản khá nhanh, ít bệnh tật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình "Vườn rau hạnh phúc" tại xã Ea Tul. 

Gia đình chị H’Nuă Ayun (buôn Sah B) được Hội LHPN xã hỗ trợ một cặp dê cái vào cuối năm 2020, đến nay đàn dê đã phát triển lên 9 con. Chị H’Nuă Ayun phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi có nuôi 2 con heo nhưng lợi nhuận không cao. Sau khi được Hội LHPN xã vận động và hỗ trợ dê giống, tôi đã tận dụng và sửa sang lại chuồng nuôi heo đang bỏ trống để nuôi dê. Dê chủ yếu ăn các loại cây, cỏ có sẵn trên rẫy nên không tốn nhiều chi phí, chỉ tốn công đi lấy thức ăn. Hơn nữa, nguồn phân dê còn có thể làm phân bón cho cà phê. Giờ đàn dê đã phát triển lên nhiều, dự định khi nào cần trả nợ thì sẽ bán bớt”.

Không chỉ gia đình chị H’Nuă Ayun mà nhiều chị em khác trên địa bàn xã sau khi nhận hỗ trợ còn được Hội LHPN xã quan tâm, giám sát, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, từ nguồn hỗ trợ của hội phụ nữ các cấp cũng như chính quyền, các nhà hảo tâm, đã có 14 chị được trao sinh kế với trị giá từ 10 - 12 triệu đồng, sử dụng để phát triển kinh tế.

 Bên cạnh đó, nhằm cụ thể hóa cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ DTTS” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, tháng 1/2022, Hội LHPN xã Ea Tul đã triển khai mô hình “Vườn rau hạnh phúc”. Hội cung cấp hạt giống, vận động hội viên tận dụng đất trống, cải tạo vườn tạp để trồng rau, qua đó tạo nguồn thực phẩm an toàn, tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng ngày. Chị H’Juyl Ayun (buôn Sah B), một trong những hộ thực hiện mô hình chia sẻ, gia đình chị có thói quen mua rau ở chợ hoặc thỉnh thoảng tìm hái các loại rau trên rẫy, sau khi được Hội LHPN xã tuyên truyền làm vườn rau tại nhà, cũng như phát hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật, chị đã tận dụng bãi đất trống trước nhà để trồng các loại rau như: xà lách, bắp cải, đậu cô ve… Chỉ sau hơn một tháng trồng, vườn rau phát triển khá xanh tốt, nhờ vậy gia đình chị có rau sạch ăn, tiết kiệm thời gian đi chợ cũng như chi phí sinh hoạt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Ngoài ra, chị còn có rau bán cho người dân quanh vùng, có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Tul đếm thăm mô hình nuôi dê sinh sản của hội viên.

 Hiện tại, hầu hết các chi hội phụ nữ thôn, buôn trên địa bàn xã Ea Tul đều nhân rộng mô hình “Vườn rau hạnh phúc” với trên 300 hộ tham gia. Cùng với cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, nhiều hộ còn cung ứng ra thị trường (mang ra chợ bán, cung cấp cho các trường học, bán cho thương lái…) qua đó giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với đặc thù địa phương có 98% dân số là người dân tộc thiểu số tại chỗ, nhằm giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, cũng như giúp hội viên tăng thêm thu nhập, năm 2018, Hội LHPN xã Ea Tul đã vận động hội viên phụ nữ dân tộc Êđê tại địa phương biết dệt thổ cẩm thành lập Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Ea Tul. Đến nay, Tổ hợp tác đã thu hút 19 thành viên tham gia, do chị H’Hương Niê, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã làm tổ trưởng. Chị H’Hương cho hay, trước đây các chị em thường tự dệt ở nhà để phục vụ cho bản thân, gia đình, sản phẩm làm ra lẻ tẻ, chưa có sự liên kết nên khó tiêu thụ. Khi tham gia tổ hợp tác, chị em chủ yếu tận dụng thời gian rảnh để dệt, đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định hơn. Nhờ vậy, các thành viên đã có thêm thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo, dần ổn định kinh tế. Điều đáng mừng hơn nữa là nhờ đó mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê ở xã Ea Tul được duy trì, phát triển.     

Hội LHPN xã Ea Tul hiện có 11 chi hội với 611 hội viên, trong đó hội viên người dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm khoảng 98%. Nhiều chị em trên địa bàn ít đất sản xuất nên thường phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Cùng với việc duy trì các mô hình hiện tại, thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục vận động nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt trong chăn nuôi; tiến hành ra mắt mô hình Tổ sản xuất gia công tóc giả, tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho hội viên. Bên cạnh đó, Hội cũng có kế hoạch hướng đến mở lớp truyền dạy nghề dệt cho thế hệ trẻ trên địa bàn, góp phần lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc của dân tộc.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.