Multimedia Đọc Báo in

“Trẻ hóa” vườn cà phê ở huyện Krông Búk

08:48, 02/03/2022

Với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Krông Búk đã triển khai thực hiện tái canh vườn cà phê già cỗi, từng bước đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Gia đình ông Lê Văn Sông ở buôn Mùi 3 (xã Cư Né) có 1,4 ha cà phê trồng từ năm 1995. Do giống cũ, trồng mật độ dày nên dù đã nhiều lần thay đổi biện pháp chăm sóc nhưng năng suất cà phê vẫn không mấy cải thiện. Năm 2017, ông quyết định nhổ bỏ toàn bộ vườn cây, đồng thời luân canh trồng hoa màu hơn 1 năm để cải tạo đất.

Năm 2018, ông trồng hơn 1.000 cây cà phê giống mới TR4. Đây là giống cà phê có nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao, chống chịu tốt với hạn hán và các loại sâu bệnh. Nhờ nắm vững kiến thức, quy trình kỹ thuật trong việc tái canh nên vườn cà phê của gia đình ông Sông sinh trưởng và phát triển tốt. Cuối năm 2020, vườn cây bước vào giai đoạn kinh doanh với quả cà phê to, chín đều, vỏ mỏng, nhân dày và ít sâu bệnh, năng suất đạt 5 tấn nhân/ha. So với vườn cà phê già cỗi trước đây chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/ha, rõ ràng việc tái canh mang lại hiệu quả rất cao.

Một số hộ dân trên địa bàn huyện Krông Búk mở dịch vụ vườn ươm cung ứng giống cà phê.

Tương tự, hộ ông Y Hiền Niê ở buôn Adrơng Điết (xã Cư Pơng) cũng có hơn 2 ha cà phê đã hết chu kỳ kinh doanh. Qua tham quan thực tế những mô hình sản xuất cà phê tái canh ở địa phương khác, năm 2016 ông Y Hiền mạnh dạn nhổ bỏ 1 ha cà phê già cỗi để trồng mới, số còn lại gia đình tiếp tục chăm sóc để bảo đảm nguồn thu nhập.

Ông Y Hiền cho biết, gia đình chủ yếu sử dụng giống TR9 mua tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên để tái canh. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật từ khâu xử lý đất, chọn giống, bón phân đến tạo tán, tỉa cành... nên ngay trong vụ thu bói, vườn đã đạt năng suất hơn 3 tấn nhân/ha, những năm sau đó năng suất ổn định hơn, khoảng 4 tấn nhân/ha. Năm 2019, ông tiếp tục tái canh 1 ha cà phê còn lại.

“Để tăng thu nhập trên cùng diện tích đất, trong 2 ha rẫy cà phê tái canh tôi trồng xen 1.000 gốc tiêu, 150 gốc sầu riêng, 100 gốc điều… Năm 2021, các loại cây trồng trong rẫy đều cho thu hoạch. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lợi khoảng 800 triệu đồng” - ông Y Hiền Niê chia sẻ.

Vườn cà phê tái canh xen các loại cây ăn trái của gia đình ông Y Hiền Niê (ở buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng) cho thu nhập khá.

Toàn huyện Krông Búk có trên 20.560 ha cà phê, khoảng 50% trong số đó được trồng cách đây hơn 20 năm hiện đã già cỗi, kém năng suất cần được tái canh giống mới. Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Krông Búk đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, các doanh nghiệp mạnh dạn tái canh vườn cà phê, đẩy mạnh sản xuất theo hướng bền vững nhằm đảm bảo lợi ích lâu dài.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo ngành chức năng triển khai rộng khắp các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tái canh cà phê và ghép chồi cải tạo vườn cây lâu năm cho người dân. Theo đó, ngành nông nghiệp huyện cũng đang gắn việc tái canh cà phê với việc tái cơ cấu lại ngành hàng này. Mục tiêu của huyện đến năm 2030 sẽ hoàn thành cơ bản việc tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Qua đó, từng bước tạo sự đồng bộ từ quy hoạch sản xuất đến chế biến, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cà phê.

 
Diện tích cà phê trồng tái canh của người dân trong huyện có tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, chất lượng giống đảm bảo, cộng với được đầu tư, chăm sóc kỹ nên nhiều vườn cây cho năng suất từ 4 - 5 tấn nhân/ha, cao hơn nhiều so với trước đây” .
 
Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk Nguyễn Đình Kính

Ông Nguyễn Đình Kính, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, để đạt được mục tiêu của huyện đề ra, đối với những vùng trồng cà phê không phù hợp, nằm ngoài quy hoạch đều được vận động người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Những diện tích cà phê tái canh nằm trong vùng quy hoạch thì người trồng sẽ được hưởng nhiều lợi ích như vay vốn, chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận thị trường…

Qua đánh giá cho thấy, đến nay toàn huyện có khoảng 2.500 ha cà phê đã được tái canh giống mới, chủ yếu là: TRS1, TR4, TR9, TR11, TS1. Bên cạnh việc tái canh cà phê, nhiều hộ còn bố trí vườn hợp lý để trồng xen các loại cây khác, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất, góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng của địa phương.

Hiện nay nhu cầu tái canh cà phê trên địa bàn huyện Krông Búk còn nhiều, song phần lớn các hộ dân gặp khó về vốn. Do vậy, để tiến độ tái canh cà phê đạt kết quả cao, UBND huyện cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình về tái canh, phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, trồng xen… nhằm khuyến khích, hướng dẫn người dân thực hiện. Đẩy mạnh phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Agribank Krông Búk, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn vốn vay, thực hiện các thủ tục vay vốn nhanh chóng và thuận lợi. Linh hoạt triển khai các chính sách nhằm hỗ trợ cây giống chất lượng cao, phân bón… giúp những hộ người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, hộ nghèo trong huyện có điều kiện để sản xuất.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc